Từ đây đến cuối năm, sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản khởi động triển khai xây dựng dự án nhà ở. Ảnh: Bảo Tín |
Các thương vụ nổi bật
Theo CBRE Việt Nam, các thương vụ lớn gần đây có thể kể đến như Gamuda Land ký thoả thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty CP Bất động sản Tâm Lực với giá trị 305 triệu USD để trực tiếp sở hữu khu đất dự án rộng 3,68 ha tại TP. Thủ Đức (TP.HCM). Khu đất này được Gamuda Land dự định phát triển thành một dự án cao tầng, gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.
Cũng trong thời gian trên, Tổng công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn của Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Xuất nhập khẩu Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu khu đất có tổng diện tích khoảng 7.700 m2, tọa lạc trên mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM.
Ngoài các thương vụ M&A, nổi bật trong quý III năm nay còn có sự hợp tác giữa các chủ đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là việc hợp tác chiến lược của Tập đoàn Kim Oanh và Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore).
Cụ thể, theo thỏa thuận, Kim Oanh Group và Surbana Jurong sẽ hợp tác phát triển một loạt dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực phía Nam. Song song đó, Surbana Jurong sẽ chịu trách nhiệm tư vấn quy hoạch khu đô thị và tư vấn kiến trúc cho các dự án mà Kim Oanh Group triển khai.
Một thương vụ đình đám khác là khoản rót vốn từ Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) vào Tập đoàn Hưng Thịnh để đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới TP. Thủ Đức với tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng. Một nguồn tin cho biết, hai “ông lớn” này sẽ đánh giá kỹ tình hình thực tế để đưa ra các bước triển khai hiệu quả, nhanh chóng.
Không còn lý do gì để chần chừ
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định, cùng với các thương vụ M&A, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương thời gian qua tiếp tục là động lực thúc đẩy của thị trường nhà ở hồi phục trở lại.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, có 67 dự án tại TP.HCM (chiếm 37,2% trong tổng số 180 dự án vướng pháp lý) đã được gỡ vướng về pháp lý.
Tổng giám đốc của một tập đoàn cho biết, từ đây đến cuối năm, sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản khởi động triển khai xây dựng dự án nhà ở. Bởi, sau khi M&A, các doanh nghiệp đã được bơm thêm vốn, cộng với nút thắt pháp lý đã được gỡ vướng, thì không còn lý do gì để chần chừ.
Đặc biệt, với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo các dự án chung cư cũ, đã có một dự án được chấp thuận vay vốn từ gói này, trong số 6 dự án đủ điều kiện tại TP.HCM.
Mặc dù trong năm 2023, thị trường nhà ở vẫn còn khoảng cách lớn về nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ so với các năm trước, nhưng nhà đầu tư cũng không thể bỏ qua những tín hiệu tích cực của thị trường.
Người mua dần dễ dàng tiếp cận hơn với các khoản vay mua nhà khi nhiều ngân hàng đã công bố lãi suất thấp hơn trong quý III. Trong khi đó, M&A và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư đang giúp các chủ đầu tư tìm ra lối thoát cho các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn.
“Trong 3 tháng cuối năm, thị trường nhà ở TP.HCM dự kiến sẽ vẫn chào đón hơn 3.000 căn hộ và 85 căn nhà liền thổ xây sẵn mở bán mới, trong số đó có một số dự án đã được triển khai đặt chỗ từ đầu năm 2023. Khó khăn của thị trường dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2024. Các giao dịch sẽ hồi phục trở lại khi những yếu tố về kinh tế vĩ mô, pháp lý và niềm tin của người mua nhà cùng được cải thiện", bà Dương Thùy Dung cho hay.