Dự thảo Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội: Giảm thiểu thủ tục, tiết kiệm thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội được đề xuất cắt giảm nhiều khâu, đơn giản và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Đây được xem là điểm tháo gỡ quan trọng để thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội, hoàn thành Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Nếu không phải thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết dự án nhà ở xã hội có thể cắt giảm được 55 ngày trong quy trình thủ tục. Ảnh: Nhã Chi
Nếu không phải thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết dự án nhà ở xã hội có thể cắt giảm được 55 ngày trong quy trình thủ tục. Ảnh: Nhã Chi

Theo Bộ Xây dựng, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch, thiết kế, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư. Tại Dự thảo Nghị quyết gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng và lồng ghép nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở hoặc cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội.

Lượng hóa thời gian được rút ngắn, Bộ Xây dựng cho biết, quy định hiện hành yêu cầu 55 ngày để thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết. Do đó, trường hợp đề xuất không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được chấp thuận có thể cắt giảm được 55 ngày so với quy trình hiện hành. Đối với đề xuất bỏ, lồng ghép thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng có thể cắt giảm được 15 - 30 ngày mà vẫn đảm bảo được nội dung quản lý nhà nước về xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, dự kiến việc thực hiện giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu sẽ cắt giảm được khoảng 200 - 241 ngày, tương ứng từ 70% - 100% thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Về tăng lợi nhuận định mức tối đa từ 10% lên 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây nhà ở xã hội, trong Dự thảo gửi Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng kiến nghị vẫn giữ lợi nhuận định mức là 10% như pháp luật hiện hành (Điều 85 Luật Nhà ở năm 2023) để không tăng giá bán nhà ở xã hội. Lý do, theo tổng hợp ý kiến đóng góp của một số bộ, ngành và địa phương, việc tăng lợi nhuận định mức làm tăng giá bán nhà ở xã hội trong khi điều kiện thu nhập của người dân còn thấp, là thách thức lớn đối với người dân khi tiếp cận nhà ở. Mặt khác, theo phản ánh của địa phương và các doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay đối với nhà ở xã hội là thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế hỗ trợ tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bên ngoài dự án, không phải lợi nhuận định mức của dự án. Ngoài ra, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung quy định ưu đãi hơn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội so với Luật Nhà ở năm 2014.

Tại một tọa đàm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục sẽ đem lại hiệu quả cho chủ đầu tư hơn là nâng định mức lợi nhuận. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, doanh nghiệp không quá quan tâm định mức lợi nhuận 10% hay 13%. Việc đó không thể so được với việc tiết kiệm thời gian liên quan đến thực hiện quy trình thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt đối tượng mua nhà. Ví dụ, giảm thời gian từ 4 năm còn 1 năm thì 3 năm đó là khoảng thời gian doanh nghiệp làm thêm được nhiều việc khác, chắc chắn đem lại lợi ích hơn nhiều so với 3% lợi nhuận. Không những vậy, việc đơn giản hóa thủ tục còn giải phóng niềm tin, khơi thông nguồn lực và giải quyết lãng phí.

Ông Lê Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù trong phát triển nhà ở xã hội sẽ giải quyết nhanh gọn hơn vấn đề lựa chọn nhà đầu tư. Về lựa chọn nhà đầu tư theo thủ tục đấu thầu, ông Bình cho biết, Luật Đất đai không quy định, nhưng Luật Nhà ở quy định, trong trường hợp có 2 nhà đầu tư quan tâm trở lên thì phải đấu thầu. Việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định của Luật Nhà ở liên quan đến đấu thầu sẽ rút ngắn nhiều thời gian. Vấn đề là quyết tâm chính trị của các tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương từ công tác quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư đến tạo quỹ đất.

Bên cạnh tháo gỡ thủ tục thực hiện dự án, vấn đề nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, triển khai các gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội cũng rất quan trọng. Theo đánh giá ngày 12/4 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội vẫn rất thấp, chỉ đạt 3,3% do lãi suất vẫn cao, thời gian vay ngắn và các tỉnh, thành có nhu cầu cao vẫn thiếu quỹ đất, nguồn cung nhà ở xã hội. Việc hoàn thiện hồ sơ mua nhà ở xã hội còn mắc ở thủ tục xác nhận thu nhập với đối tượng lao động tự do.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu