Mặc dù thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng 9 ô đất thuộc khu đất dịch vụ và quyền sử dụng đất xứ đồng Cây Da ngoài, làng Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc nhưng Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Vĩnh Phúc Trần Quốc Huy khẳng định, nhiều cáo buộc của người dân là bịa đặt và việc tổ chức đấu giá được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Người dân bức xúc
Báo Đấu thầu vừa nhận được đơn khiếu nại về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng 9 ô đất (A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A30 và A31) thuộc khu đất dịch vụ và quyền sử dụng đất xứ đồng Cây Da ngoài, làng Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, việc bán đấu giá này vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Theo thông tin của UBND huyện Yên Lạc, 9 ô đất nói trên có tổng diện tích sử dụng 909 m2, là đất ở tại nông thôn. Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. 9 ô đất này đã xây dựng hạ tầng. Khi tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất, giá trúng đấu giá sẽ bao gồm tiền xây dựng hạ tầng tại khu đất đấu giá, tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tiền cấp quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ theo quy định.
Theo phản ánh, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm DVĐGTS, chưa có chứng chỉ hành nghề đấu giá viên nên không đủ điều kiện ký Hợp đồng và điều hành bán đấu giá 9 ô đất này; người trúng đấu giá ô số A1 không biết viết và không biết chữ (người phản ánh cho rằng người trúng đấu giá không đủ năng lực hành vi dân sự, không được tham gia đấu giá vì không có người giám hộ và không ủy quyền cho ai). Ngoài ra, việc Trung tâm DVĐGTS niêm yết 7 ngày kể từ ngày thông báo đến khi bán đấu giá là vi phạm Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, nội dung phản ánh cũng cho rằng ông Huy đã vi phạm quy chế đấu giá khi Quy chế số 175/TT-TTDVBĐGTS quy định bước giá là 2.000.000 đồng/tài sản, nhưng khi tiến hành đấu giá lại thay đổi còn 1.000.000 đồng/tài sản; việc trả lại tiền cho 395 người nộp tiền đặt trước để đủ điều kiện tham gia đấu giá cũng được phản ánh là không minh bạch.
Tổ chức đấu giá đúng quy định?
Trao đổi với Báo Đấu thầu về những phản ánh trên, ông Trần Quốc Huy cho biết, ông được UBND tỉnh Vĩnh Phúc điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm DVBĐGTS từ tháng 4/2016. Ở thời điểm đó ông vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề đấu giá viên nhưng vẫn được cấp trên “cho nợ” để hoàn thiện sau. “Tôi nợ chứng chỉ này khoảng 2 - 3 tháng thôi, khi tiến hành đấu giá 9 ô đất trên thì tôi đã có chứng chỉ hành nghề đấu giá viên rồi. Bản thân tôi cũng không điều hành phiên đấu giá này” - ông Huy cho biết.
Đối với việc niêm yết tài sản, ông Huy khẳng định, Trung tâm đã thực hiện niêm yết trước ngày mở cuộc bán đấu giá tới 40 ngày. Trung tâm đã thực hiện niêm yết tại trụ sở UBND xã, tại nơi có 9 ô đất đấu giá và có ảnh chụp lại; niêm yết tại UBND huyện, tại trụ sở Trung tâm và đăng báo Vĩnh Phúc 2 số báo.
Tuy nhiên, khi trao đổi về nội dung bước giá trong đấu giá quyền sử dụng 9 ô đất, ông Trần Quốc Huy phân trần, do lỗi đánh máy nên ban đầu Trung tâm để bước giá là 2.000.000 đồng/m2 (theo phản ánh là 2.000.000 đồng/tài sản) thì đối với những ô đất 100 m2 bước giá thành 200 triệu đồng rồi, nên không ai mua được. Sau khi phát hiện ra sai sót, UBND Huyện yêu cầu phải đính chính, ra một quy chế bổ sung và quy định bước giá chỉ cần 1.000.000 đồng/lô đất là hợp lệ.
Thông tin thêm với Báo Đấu thầu về vụ việc này, ông Kim Đình Nên, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, trong quá trình thực hiện đấu giá, UBND Xã có cho phép Trung tâm DVĐGTS niêm yết việc bán đấu giá, có thông báo trên loa truyền thanh.
Ông Nên cũng cho biết, việc bỏ phiếu tham gia đấu giá được thực hiện tại 2 nơi. Theo đó, sáng ngày 23/9 (thứ Sáu), Trung tâm có để hòm phiếu tại trụ sở UBND Xã, tuy nhiên không có ai đến bỏ phiếu cả. Xã và Trung tâm đã làm biên bản xác nhận hòm phiếu trống trong buổi sáng hôm đó. Buổi chiều, việc bỏ phiếu đấu giá được thực hiện tại trụ sở của Trung tâm DVĐGTS. Tuy nhiên, việc mở hòm phiếu đấu giá lại được thực hiện vào chiều ngày 26/9 (thứ Hai) dẫn đến việc nhiều người dân không đồng tình.
Thêm vào đó, khi tiến hành mở hòm phiếu, 3 ô đất đầu được thực hiện thành công, tới ô đất thứ 4 và thứ 5 thì không có người trúng đấu giá ký nhận, ô đất thứ 6 thì người trúng đấu giá không ký tên. Khi đó thì người dân khiếu nại rằng việc mở hòm phiếu không đúng quy định nên hoãn lại.
Ngày 3/10 vừa qua, Trung tâm DVĐGTS đã tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất 6 ô đất còn lại. Kết quả đấu giá cho thấy, với 9 ô đất với tổng diện tích 909 m2 được đưa ra tổng giá khởi điểm là 11,835 tỷ đồng. Sau khi tiến hành đấu giá, tổng giá trúng đấu giá là 12,084 tỷ đồng, chênh lệch 249 triệu đồng so với giá khởi điểm.