Luật hóa cơ chế thúc đẩy dự án liên tỉnh, liên vùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án được thực hiện trên địa bàn từ 2 địa phương trở lên đang ngày càng được chú trọng, mong muốn đầu tư để phát huy tính liên kết tỉnh, liên kết vùng. Cơ chế cho việc thực hiện những dự án trên địa bàn của 2 địa phương đã được Quốc hội cho phép thí điểm, việc luật hóa để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng được nhiều địa phương đồng tình để thúc đẩy hơn nữa các dự án theo mô hình mới.
Nhu cầu thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc kết nối nhiều địa phương trong giai đoạn tới là rất lớn. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc kết nối nhiều địa phương trong giai đoạn tới là rất lớn. Ảnh: Lê Tiên

Nhu cầu thực hiện và triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là các dự án đường cao tốc trong thời gian qua và giai đoạn tới là rất lớn. Để đạt được mục tiêu này, cần có năng lực quản lý, triển khai thực hiện lớn, không phải chỉ từ Bộ Giao thông vận tải mà còn các địa phương liên quan.

Thời gian qua, Quốc hội đã cho phép thí điểm giao cho 1 địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện một số dự án giao thông cụ thể trên địa bàn của 2 địa phương tại Nghị quyết số 106/2023/QH15. Thực tiễn triển khai cho thấy chính sách này đã phát huy hiệu quả, giúp tăng tính chủ động, huy động, tận dụng được nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án của địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, cơ chế thí điểm đã cho thấy hiệu quả, cần thể chế hóa để mở rộng áp dụng, phát huy mô hình đầu tư này hơn nữa. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên.

Tại 3 hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đầu tư công vừa diễn ra, đa số địa phương đồng tình cao cho rằng, quy định này sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, tăng tính chủ động, huy động, tận dụng nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện dự án, tăng cường kinh nghiệm, năng lực của địa phương trong quản lý thực hiện dự án. Các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong triển khai dự án, gắn kết chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp. Đồng thời, các địa phương cũng có động lực để đẩy nhanh tiến độ dự án do có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và khai thác quỹ đất lân cận dự án.

Những công trình hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương dự án đi qua. Ảnh: Tiên Giang
Những công trình hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương dự án đi qua. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng, cần tiến hành sửa đổi đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan để triển khai thuận lợi quy định mới này nếu được thông qua.

Đại diện Sở KH&ĐT Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn tham gia thực hiện Dự án Đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Thực hiện Nghị quyết số 106, Cao Bằng được giao là cơ quan chủ quản Dự án, vốn kế hoạch trung hạn dự án được phân bổ cho tỉnh Cao Bằng, Cao Bằng chuyển tiền cho Lạng Sơn để để thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn. Theo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn tiền này được xác định là khoản thu khác của NSNN, Lạng Sơn lúng túng chưa rõ quy trình thực hiện, phân bổ, quyết toán tiền của tỉnh Cao Bằng chuyển cho tỉnh Lạng Sơn.

Đại diện Sở KH&ĐT Lào Cai cũng chia sẻ, Lào Cai đang cùng thực hiện Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên do tỉnh Lai Châu làm cơ quan chủ quản. Nguồn vốn thực hiện Dự án chủ yếu do ngân sách trung ương cấp, 2 tỉnh bố trí vốn thực hiện giải phóng mặt bằng. Lào Cai có bố trí vốn cho phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn của mình. Do Lai Châu được giao là cơ quan chủ quản, HĐND tỉnh Lai Châu quyết định chủ trương đầu tư dự án, phần vốn mà tỉnh Lào Cai bố trí cho giải phóng mặt bằng trên địa bàn Lào Cai cũng được ghi trong quyết định chủ trương đầu tư do HĐNT tỉnh Lai Châu phê duyệt. Nếu trong quá trình thực hiện có vấn đề cần tăng mức đầu tư giải phóng mặt bằng của Lào Cai, dù dùng ngân sách của Lào Cai nhưng địa phương này lại phải gửi tỉnh Lai Châu để điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tương tự, đại diện Sở Xây dựng Điện Biên nêu thực tế, Điện Biên đang rất mong muốn đầu tư mở rộng tuyến giao thông kết nối Điện Biên - Sa Pa. Khi đó, vốn của Điện Biên bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn địa phương khác thì quy trình thực hiện như thế nào?

Các ý kiến cho rằng, hiện Luật NSNN quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Vì thế, cần sửa đổi nội dung này theo hướng bổ sung trường hợp cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính liên vùng. Hiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến tài chính, trong đó có Luật NSNN, cũng đang được sửa đổi, rất cần thống nhất, đồng bộ để tạo thuận lợi trong thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra việc bổ sung quy định mới này sẽ phát sinh trình tự, thủ tục để phê duyệt, thống nhất phương án giao 1 địa phương là cơ quan chủ quản dự án. Trong thực tiễn triển khai, có thể có trường hợp địa phương được giao không đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án, dẫn đến dự án hoàn thành chậm, không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt đối với các dự án đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật cao. Vì thế, trong quá trình triển khai, cần có sự theo dõi, giám sát của Bộ Giao thông vận tải để bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự đồng bộ với quy hoạch được phê duyệt.

Chuyên đề