Lợi ích kép từ thúc đẩy mua sắm tập trung

(BĐT) - Trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và kết quả thí điểm thực hiện tại Việt Nam, Luật Đấu thầu năm 2013 có một mục quy định về mua sắm tập trung (MSTT) để áp dụng rộng rãi. Sau hơn 5 năm thực hiện, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, MSTT đã và đang mang lại lợi ích kép.
Hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt hơn
Hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt hơn

Thưa Cục trưởng, việc xây dựng MSTT thành một mục mới và có vai trò quan trọng trong Luật Đấu thầu xuất phát từ nhu cầu nào của thực tiễn?

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xác định, một trong những nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung”. Pháp luật về quản lý tài sản công giai đoạn đó chưa được ban hành đầy đủ, cơ chế quản lý còn thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến việc mua sắm, sử dụng tài sản vẫn còn lãng phí. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã đề ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản, cụ thể: “Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn”.

Trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 về việc thực hiện thí điểm phương thức MSTT. Qua thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương từ năm 2008, MSTT đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu thắt chặt chi tiêu công gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước đang được đặt ra, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế MSTT và mở rộng phạm vi áp dụng là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia. Trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và kết quả thí điểm thực hiện tại Việt Nam, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một mục quy định về MSTT để áp dụng rộng rãi. Theo đó, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau, cơ quan MSTT chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp. Cách thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Lợi ích kép từ thúc đẩy mua sắm tập trung ảnh 1
Ông Nguyễn Đăng Trương
Như vậy, tổ chức thực hiện MSTT là “mũi tên trúng nhiều đích”?

Mục tiêu chính của MSTT là nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm tài sản, hàng hoá được trang bị đồng bộ, hiện đại phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tài chính công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động của cơ quan nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong mua sắm, trang bị và sử dụng tài sản nhà nước; bảo đảm giá mua sắm thống nhất trong cùng đơn vị và trên cùng địa bàn.

Các mục tiêu nêu trên được hiện thực hóa thông qua việc rà soát chi tiết nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, cắt giảm các loại hàng hóa, dịch vụ không cần thiết, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng tài sản; đấu thầu mua sắm theo lô lớn với giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt nhất; đội ngũ chuyên gia mua sắm được chuyên nghiệp hóa, cắt giảm nhân sự mua sắm ở từng cơ quan, đơn vị; các thông tin về mua sắm công được tổng hợp đầy đủ, kịp thời để cung cấp cho các cơ quan chức năng hoặc công khai theo quy định; việc kiểm tra, giám sát với số ít cơ quan mua sắm thuận lợi hơn việc kiểm tra, giám sát trên diện rộng; giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách gắn với mua sắm công.

Ngoài ra, hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt hơn, đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng tài sản đạt hiệu quả cao, hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng tài sản và chủ động hơn về nguồn cung trong thời gian ổn định.

Việc tập trung đầu mối thực hiện mua sắm, tổ chức mua sắm với khối lượng tài sản lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi là chủ yếu sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ; từ đó góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X). Bên cạnh đó, MSTT góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, đúng pháp luật. Tại các bộ, ngành, địa phương thực hiện MSTT sẽ không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định, hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả do khi xây dựng kế hoạch MSTT, các cơ quan quản lý đã rà soát kỹ lưỡng hiện trạng, nhu cầu trang bị tài sản của các cơ quan, đơn vị, đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản. 

Theo nhiều ý kiến đánh giá, triển khai MSTT thuốc đang mang lại những kết quả tích cực. Xin Cục trưởng chia sẻ thêm thông tin về hoạt động này?

Có thể nói, đến thời điểm này, việc triển khai MSTT thuốc đã và đang có những kết quả khả quan.

Điển hình là việc thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc lĩnh vực bảo hiểm y tế đã giúp giảm giá thuốc, đảm bảo giá thuốc cân bằng giữa các địa phương, tránh tình trạng giá khác biệt quá lớn, từ đó hỗ trợ gián tiếp người bệnh. Đồng thời, nguồn cung ứng thuốc ổn định vì đấu thầu tập trung sẽ chọn được nhà thầu năng lực tốt; có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội, nhà thầu cung cấp thuốc và vật tư y tế...

Số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về thí điểm lần 1 (năm 2017), mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2018, có kết quả từ ngày 1/1/2018 cho thấy: Tổng giá trị trúng thầu của 5 hoạt chất là 946,8 tỷ đồng, giảm 11% so với giá kế hoạch (tương ứng với giá trị giảm là 117 tỷ đồng) và giảm 21,1% so với giá trúng thầu bình quân năm 2017 (tương ứng với giá trị giảm là 252,92 tỷ đồng). Trong đó, riêng biệt dược gốc giảm 13,8% về giá.

Ở lần thí điểm thứ 2, mua sắm thuốc sử dụng cho năm 2019 - 2020 với 16 hợp chất và 26 thuốc không trùng Danh mục đấu thầu thuốc của Bộ Y tế, kết quả cho thấy, tổng giá các mặt hàng đã lựa chọn giảm 22,4% so với giá trúng thầu bình quân năm 2018 tại các địa phương (tương ứng 2.903,95 tỷ đồng). Trong đó, biệt dược gốc giảm 13%, thuốc generic giảm 37%.

Tương tự, kết quả đấu thầu MSTT thuốc quốc gia do Trung tâm MSTT thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế thực hiện cũng cho thấy, triển khai MSTT thuốc đã mang lại hiệu quả kinh tế, lựa chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu. Kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017 cho thấy, tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được hơn 477 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 17%. Các gói thầu thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2019 có sự tham gia cung ứng của nhiều nhà thầu, tỷ lệ tiết kiệm khá cao. 

Điều này có nghĩa là MSTT không chỉ giúp các nhà thầu tăng khả năng cạnh tranh mà còn giúp họ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Cục trưởng có chia sẻ gì với các nhà thầu khi tham dự các gói thầu MSTT?

Một trong những đặc điểm nổi bật của MSTT là khối lượng mua sắm lớn, đây là lý do chủ yếu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thầu. Theo nguyên tắc của đấu thầu, khi một gói thầu có nhiều nhà thầu quan tâm, tham dự thì gói thầu đó sẽ có tính cạnh tranh cao. Muốn tham dự và trúng thầu các gói thầu cung cấp hàng hóa trong MSTT đòi hỏi nhà thầu phải chuẩn bị tốt hồ sơ dự thầu, đề xuất cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu với giá cả cạnh tranh. Để làm được điều đó, nhà thầu trước hết phải am hiểu quy định của pháp luật về đấu thầu, chuyên nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Đặc biệt, nhà thầu phải có khả năng tài chính tốt để phục vụ cho việc sản xuất, cung cấp một khối lượng hàng hóa lớn trong thời gian dài (thông thường từ 2 đến 3 năm). Thông qua việc thực hiện các hợp đồng MSTT, nhà thầu sẽ khẳng định được thương hiệu, uy tín của mình qua chất lượng sản phẩm cũng như khả năng thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Do đó, để tham gia các gói thầu MSTT, nhà thầu cần nâng cao năng lực về kỹ thuật, tài chính, đặc biệt là cần đề cao uy tín, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng, bởi nếu nhà thầu vi phạm hợp đồng trong MSTT thì sẽ khó có cơ hội tiếp tục tham dự các gói thầu khác do yếu tố uy tín trong việc thực hiện hợp đồng không đảm bảo.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!                                 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư