Lo ngại rào cản kinh doanh “mọc” trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là giải pháp giảm thiểu chi phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển, nhất là trong bối cảnh DN đã chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ đang có xu hướng khôi phục lại, hoặc một số điều kiện kinh doanh mới được bổ sung.
Cơ chế hậu kiểm tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP giúp doanh nghiệp ngành thực phẩm tiết kiệm những khoản chi phí lớn. Ảnh: Lê Tiên
Cơ chế hậu kiểm tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP giúp doanh nghiệp ngành thực phẩm tiết kiệm những khoản chi phí lớn. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 9/3/2022, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 313/BC-BYT đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó nhắc tới một số tồn tại, hạn chế. Theo Bộ Y tế, một bộ phận DN thực hiện không đúng, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Y tế là do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí, nên hoạt động hậu kiểm của cơ quan quản lý chỉ đáp ứng một phần yêu cầu, chưa sát thực tế, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực bị hạn chế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm công bố quá lớn và ngày càng phong phú.

Tuy nhiên, các hiệp hội ngành thực phẩm cho rằng, những tồn tại, hạn chế mà Bộ Y tế nêu ra có nhiều chi tiết chưa chính xác, chưa sát với thực tiễn, nhiều nội dung đề xuất đã được thiết kế trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đây là đề xuất rất đáng quan ngại. Lý do là qua 4 năm triển khai, Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao Nghị định 15 và các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác từng bước áp dụng theo cách tiếp cận ưu tiên hậu kiểm. Đặc biệt, cơ chế hậu kiểm của Nghị định 15 đã tiết kiệm cho DN ngành thực phẩm những khoản chi phí rất lớn. Với Nghị định 15, cộng đồng DN thể hiện sự hào hứng và tin tưởng vào sự đồng hành của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo bà Thảo, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hóa chất vừa được Bộ Công Thương gửi Chính phủ cũng có thể dựng thêm rào cản với DN.

Cụ thể, Khoản 24, Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định: “Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ Công Thương quy định thời hạn của giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp”. Theo bà Thảo, so với Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung thêm quy định về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh, tức là tăng thêm điều kiện kinh doanh, tạo rào cản cho DN.

Thông tin thêm, bà Thảo cho hay, góp ý về nội dung này, cả Bộ Tư Pháp và Bộ Công an đều đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc nội dung về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Nguy cơ rào cản kinh doanh “mọc” trở lại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi và phát triển của DN cũng là lo ngại mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập thực tế việc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã có dấu hiệu chững lại từ cuối năm 2019 đến nay.

Ông Tuấn cho biết, hiện VCCI nhận được khá nhiều dự thảo sửa đổi từ luật, nghị định, thông tư có xu hướng tạo thêm rào cản kinh doanh cho DN. Điển hình như đề xuất xây dựng Luật Giá cũng nâng cao hơn điều kiện về nhân sự đại diện theo pháp luật phải được cấp thẻ thẩm định về giá trong tất cả các lĩnh vực tài sản; yêu cầu số lượng tối thiểu về số lượng thẩm định viên về giá đối với DN thẩm định giá trong từng lĩnh vực hoạt động. Hay Bộ Công Thương đang đề xuất quay trở lại điều kiện kinh doanh về diện tích kho bãi với DN xuất khẩu gạo. “Đây là xu hướng chưa được tích cực theo tinh thần cải cách trước đây”, ông Tuấn nhận xét.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho DN phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Chính phủ cần có những chỉ đạo kiên quyết, liên tục về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, các bên liên quan cần tăng cường giám sát để dòng chảy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh không bị “chững lại” như vừa qua… từ đó, tiếp tục trở thành “trợ lực” hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Chuyên đề