Cấp thiết tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh hơn 2 năm qua đã bị chững lại để tập trung ứng phó, khắc phục ảnh của dịch bệnh Covid-19. Theo nhiều chuyên gia, bây giờ là lúc kích hoạt lại nhiệm vụ này nhằm tăng chất xúc tác hiệu quả cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh có thể được xem là nhóm nguồn lực bổ sung hiệu quả, giúp doanh nghiệp tập trung tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang
Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh có thể được xem là nhóm nguồn lực bổ sung hiệu quả, giúp doanh nghiệp tập trung tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang

Kích hoạt “chất xúc tác”

Dự kiến, ngày 3/3, Hội nghị với chủ đề: “Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại Nghị quyết.

Đề cập về sự cần thiết phải tổ chức Hội nghị, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, bây giờ là lúc chúng ta kích hoạt lại cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, thời gian gần đây, giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao đang gây áp lực mạnh cho sự phục hồi của DN. Trong bối cảnh đó, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh có thể được xem như là nhóm nguồn lực bổ sung rất hiệu quả, là cứu cánh hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, qua đó giúp DN tập trung để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Thảo cho rằng, đây là giải pháp hỗ trợ DN có tính chất dài hạn, bền vững chứ không phải chỉ là giải pháp hỗ trợ phục hồi trong ngắn hạn. Ví dụ như nói đến giảm thuế cho DN thì thứ nhìn thấy ngay được là tiết kiệm tiền, nhưng nếu thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thì ngoài việc giảm chi phí bằng tiền, còn giảm được chi phí về thời gian và tăng cơ hội cho DN.

Với tinh thần ấy, Hội nghị lần này sẽ đôn đốc, kích hoạt lại nhiệm vụ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh - một trong những giải pháp như một chất xúc tác nhằm bổ sung, bổ trợ hiệu quả cho chương trình phục hồi kinh tế.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, xét về tính thời điểm, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trên là rất phù hợp, có ý nghĩa rất thiết thực cho hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông Nam, hiện nay, ngoài việc môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có những những xáo trộn do tác động của dịch bệnh thì còn có các yếu tố rủi ro khác có nguy cơ tác động đến tiến trình phục hồi của DN. Vì thế, việc chúng ta tăng tốc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hỗ trợ môi trường kinh doanh cũng chính là để giảm đi những ảnh hưởng bất lợi tới DN.

Tăng tốc

Theo Chương trình, Hội nghị sẽ tập trung vào 4 nội dung lớn: giới thiệu điểm mới và những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022; trao đổi về kết quả và bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2021; trao đổi về kinh nghiệm kết nối thông tin với các tổ chức quốc tế trong việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thảo luận các vấn đề DN trong bối cảnh hiện nay và các vấn đề cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết; các đề xuất, kiến nghị về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam kỳ vọng, Hội nghị sẽ lấy được nhiều ý kiến, ngoài những phản ánh về tình hình khó khăn của DN còn tìm ra sáng kiến mới theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN sớm phục hồi, nắm bắt được các cơ hội thị trường đang mở ra.

Hiến kế tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách các thủ tục liên quan hoạt động kinh doanh. Các quy định nên tập trung vào hậu kiểm nhằm giải quyết vấn đề về tốc độ hỗ trợ cho cộng đồng kinh doanh.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần theo dõi sát, lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN nhằm cố gắng không để xảy ra tình trạng ách tắc lưu thông hàng hóa, qua đó tránh làm giá thành hàng hóa bị đẩy lên quá cao. Nếu lạm phát tăng cao cộng đồng DN sẽ “ngủ đông” ngay, làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển của DN cũng như nền kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư