Lo Covid-19, ngân hàng giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thận trọng trước tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 và nhìn nhận mặt bằng rủi ro tăng nhanh hơn trước.
Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 13,1% trong năm 2021. Ảnh: Tiên Giang
Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 13,1% trong năm 2021. Ảnh: Tiên Giang

Theo kết quả khảo sát kinh doanh quý III/2021 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tháng 6/2021, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra thực hiện vào tháng 3/2021.

Tại thời điểm cuối quý II/2021, nhu cầu tổng thể của khách hàng được các TCTD nhận định ở mức khá, trong đó, nhu cầu vay vốn và thanh toán cải thiện mạnh hơn quý trước, nhu cầu gửi tiền tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ chậm lại. Các TCTD tiếp tục kỳ vọng lạc quan đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý III/2021 và cả năm 2021, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt đối với cả VND và ngoại tệ trong quý III/2021 và cả năm 2021. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được dự báo xoay quanh mức hiện tại cho đến cuối năm 2021.

Trái ngược với kỳ vọng “giảm” ở kỳ điều tra trước, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong quý II/2021 được nhận định tăng nhanh hơn so với quý trước do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Mặt bằng rủi ro được dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý III/2021 và trong cả năm 2021 so với năm 2020. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 5,5% trong quý III/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021.

Trong quý II/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng được các TCTD đánh giá tiếp tục cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19. Theo kết quả khảo sát, 67,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III/2021 và 73,3% TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021.

Còn theo dự báo của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán VNDirect, tín dụng toàn ngành có thể tăng 13% khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% năm 2021 với các yếu tố hỗ trợ từ bên trong và bên ngoài. Nhu cầu quốc tế phục hồi thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng thúc đẩy doanh nghiệp vay thêm các khoản vay mới để phục vụ hoạt động. Cũng theo VNDirect, có 9 ngân hàng có thể được nới hạn mức tín dụng, đó là: Vietcombank, BIDV, VietinBank, MBBank, ACB, VIB, Techcombank, VPBank, LienVietPostBank với mức nới từ 1,5 - 8,5 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, đến 23/6/2021, huy động vốn toàn hệ thống TCTD tăng 3,35% so với cuối năm 2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,68% so với cuối năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, huy động vốn tăng 13,59% và tín dụng toàn hệ thống tăng 15,41%. Căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang được triển khai quyết liệt cùng nỗ lực mở rộng phạm vi tiêm chủng, có thể kỳ vọng nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp, nên cần nới hạn mức tín dụng để ngân hàng có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, việc kiểm soát, sử dụng đúng mục đích dòng vốn tín dụng luôn cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, để tránh các rủi ro với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Chuyên đề