Nhiều tổ chức tín dụng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm 2021. Ảnh: Song Lê |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tín dụng từ đầu năm đến hết ngày 19/3/2021 tăng 1,47% so với cuối năm 2020. Đây là con số khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng của các năm trước đó. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng quý I của các năm 2020, 2019, 2018, 2017 lần lượt là 0,68%, 1,9%, 2,81% và 4%.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường là yếu tố chủ yếu để có được mức tăng trưởng trên. Đây cũng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế vẫn còn rất lớn.
Bình luận về mức tăng trưởng này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu quan điểm: “Quý I thường là giai đoạn có mức tăng trưởng thấp nhất so với 3 quý còn lại của năm. Riêng với năm nay, dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 1 và kéo dài sang tháng 3/2021 đã khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp thận trọng hơn trong chi tiêu cũng như đầu tư. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng đầu tư kinh doanh, cân đối lại dòng vốn đầu tư tài chính”.
Cũng theo ông Lực, việc thay đổi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp thường sẽ được trình và thông qua tại đại hội đồng cổ đông với thời điểm tổ chức vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Sau khi được thông qua, các kế hoạch kinh doanh này bắt đầu được triển khai từ tháng 5, tháng 6. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể hồi phục từ quý II. Ước tính, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt 11 - 13%.
Trong khi đó, con số định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là khoảng 12% và có thể điều chỉnh theo diễn biến, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tín dụng. Kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý I và triển khai tiêm chủng vaccine đại trà thì tăng trưởng tín dụng đạt 12 - 13%, tối đa có thể lên 14%. Kịch bản 2, trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine thì tín dụng có thể tăng khoảng 10 - 12%. Kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7 - 8%.
Từ phía các ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch của cả năm cũng khá cao. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, dư nợ cho vay của MSB đến hết quý I/2021 ước tăng trên 9%. MSB dự kiến dư nợ tín dụng sẽ tăng 25% trong năm nay.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới đây đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 31%.
Đại diện một số ngân hàng cho biết, NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng từ những tháng đầu năm và có điều chỉnh tăng hoặc giảm theo sức khỏe tài chính, năng lực quản trị của từng ngân hàng trong từng giai đoạn.
Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm thường dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và tỷ lệ nợ xấu. Những năm gần đây, NHNN luôn đưa ra hạn mức ban đầu thấp, sau đó mở rộng dựa trên tình trạng tài chính của ngân hàng và kết quả xử lý nợ xấu.
Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng của Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của các ngân hàng sẽ tăng trưởng đến 24% so với năm 2020, trên cơ sở tăng trưởng tín dụng bình quân của các ngân hàng khoảng 15% và chi phí tín dụng giảm 0,22%.