Vì sao chưa bỏ trần tăng trưởng tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện có hơn 10 tổ chức tín dụng xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và đang chờ được phê duyệt. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc điều chỉnh hạn mức tín dụng có tính linh hoạt theo năng lực hoạt động, quy mô nguồn vốn của từng ngân hàng. Đây cũng là công cụ cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát quy mô và chất lượng tín dụng, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện có hơn 10 tổ chức tín dụng xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021. Ảnh: Song Lê
Hiện có hơn 10 tổ chức tín dụng xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021. Ảnh: Song Lê

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng khá cao và dự báo có thể đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2021. Một số ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức được NHNN cấp phép.

Với các ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu phần vốn chi phối, Agribank, BIDV, VietinBank được cấp hạn mức 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được cấp 10,5%. Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, VIB, ACB, Sacombank được cấp hạn mức 8,5 - 9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5 - 12%.

Trong khi đó, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, con số này ở VIB là 31% nếu được NHNN cho phép.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao cho từng ngân hàng vào đầu năm và có thể được điều chỉnh trong nửa cuối năm nếu các tổ chức tín dụng có yêu cầu và căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế, quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng. Hiện nay, NHNN đã nhận được yêu cầu nới hạn mức tăng trưởng tín dụng của hơn 10 ngân hàng và đang xem xét, phân tích, đánh giá để có hướng xử lý trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, không nhất thiết phải áp trần tăng trưởng tín dụng với từng ngân hàng, thay vào đó có thể kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng các yếu tố khác. Đó là, tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích hợp đồng vay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, về lâu dài, cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính là trần tăng trưởng tín dụng. Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng.

Lý giải về việc này, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính sách tiền tệ là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn làm được như vậy, chính sách tiền tệ phải sử dụng một số công cụ và hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng. Dù công cụ này mang tính hành chính nhưng vẫn bảo đảm tính thị trường trong việc điều tiết dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Theo ông Đào Minh Tú, ở nhiều nước, thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn. Trong khi đó, đặc thù của kinh tế Việt Nam là vốn tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đang có những bước tiến tích cực nhưng vẫn còn không ít vấn đề đáng quan tâm và chưa đủ sức trở thành kênh huy động vốn chủ yếu.

“Thử hình dung, tăng trưởng tín dụng ở mức vài chục phần trăm một năm mà chất lượng tín dụng không bảo đảm thì chỉ một, hai năm nữa nợ xấu của nền kinh tế sẽ dâng lên và tất cả các vấn đề bất ổn vĩ mô sẽ xuất hiện. Do đó, công cụ “trần” tăng trưởng tín dụng giúp kiểm soát vừa đủ nguồn vốn này cho phát triển kinh tế theo mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, vừa kiểm soát được chất lượng tín dụng của các ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, trong tương lai, khi thị trường chứng khoán phát triển đến mức đảm nhiệm vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, các ngân hàng thương mại không còn phải vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì có thể xem xét bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng.

Chuyên đề