Linh hoạt trong thực thi chính sách hỗ trợ DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất là hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm nay. Để ứng phó với các biến động đó, giới chuyên gia khuyến nghị, cần nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ bằng cách tạo động lực thực thi từ các cấp, có thể tính đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm phù hợp và tạo dựng niềm tin để khơi thông thị trường vốn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mong chờ những chính sách ổn định và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Song Lê
Doanh nghiệp mong chờ những chính sách ổn định và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Song Lê

Tại Diễn đàn thường niên “Kịch bản kinh tế Việt Nam: Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức" vừa diễn ra, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, việc mở cửa của Trung Quốc có thể tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam kể từ cuối quý II/2023. Với động thái này, các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, song cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của chính các nhà sản xuất tại Trung Quốc.

Từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, ông Cường khuyến nghị, cần xem xét những điểm nghẽn về dòng vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 là phù hợp nếu như không có sự “trắc trở” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Ông Cường cho rằng, việc gia hạn một vài điều kiện tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP về TPDN phát hành riêng lẻ có thể chỉ khơi thông được rất ít nguồn vốn nếu không lấy lại được niềm tin của thị trường. Trong khi đó, việc giữ các điều kiện hiện có tại Nghị định 65 sẽ giúp hạn chế phát hành trái phiếu dưới chuẩn, tránh nợ xấu cho ngân hàng. Nếu chỉ có chính sách thì khó có thể duy trì niềm tin mà cần những giải pháp cụ thể hơn nữa để ổn định thị trường tài chính.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam phân tích, khi mở cửa sau đại dịch Covid-19, Việt Nam gặp sự hỗn loạn ban đầu, chính sách có thử và sai. Do đó, với Trung Quốc, quý I có thể cũng rơi vào hỗn loạn nhưng khoảng tháng 4 và tháng 5, quốc gia này sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam.

Động thái mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc có thể tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam kể từ cuối quý II/2023. Ảnh: Quốc Hồng

Động thái mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc có thể tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam kể từ cuối quý II/2023. Ảnh: Quốc Hồng

Bên cạnh đó, theo ông Thành, FED có khả năng tăng lãi suất 3 lần vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5 năm nay, nên từ cuối tháng 5, xu hướng tăng lãi suất có thể giảm dần, cũng là thời điểm Việt Nam có thể chủ động chuyển hướng chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, hạ mặt bằng lãi suất.

Về chính sách tài khóa, ông Thành cho rằng, chính sách thiết kế tốt thì phải thực thi hiệu quả. Với Việt Nam, các chính sách tự động thực thi mà không cần qua bộ máy sẽ dễ ngấm ngay vào nền kinh tế. Chẳng hạn, việc giảm thuế có tác dụng ngay và có tác động thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị, Quốc hội và Chính phủ cần linh hoạt hơn, có thể họp từng quý để đề xuất việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ để thực thi ngay.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Coop kiến nghị, cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trước khi ban hành và thực thi các chính sách có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long kiến nghị việc ban hành các chính sách cần có tính dễ dự đoán. “Năm qua, lãi suất và tỷ giá thay đổi đột ngột khiến doanh nghiệp lao đao. Chỉ một đêm ngủ dậy, tỷ giá thay đổi vài % khiến doanh nghiệp chóng mặt và bị động trong việc hoạch định phương án xử lý. Dù là những chính sách ngắn hạn song cần có tính dự báo để tránh ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, năm 2023, Chính phủ nên đưa ra thông điệp về ổn định chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Khi điều kiện kinh tế thế giới ẩn chứa nhiều bất ổn và khó dự đoán, thì nội tại nền kinh tế càng cần có chính sách ổn định và thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Bất kỳ chính sách nào đi ngược hoặc có xu hướng ảnh hưởng đến doanh nghiệp cần phải qua kiểm duyệt, đánh giá rất kỹ trước khi ban hành. Mặt khác, chính sách tốt nhưng thực thi phải tốt, cần tạo động lực thực thi cho bộ máy chính quyền các cấp để tránh tình trạng ngần ngừ, e ngại như năm qua”, ông Tuấn nói.

Chuyên đề