Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030: Dồn lực cho những công trình lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí trọng tâm, trọng điểm, số lượng dự án giảm mạnh để tập trung cho công trình lớn. Nguyên tắc này tiếp tục được nhấn mạnh khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, giảm số lượng dự án từ ngân sách trung ương để có nguồn lực cho những dự án lớn quan trọng quốc gia…
Nguyên tắc khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là giảm số lượng dự án để có nguồn lực cho những dự án lớn quan trọng quốc gia
Nguyên tắc khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là giảm số lượng dự án để có nguồn lực cho những dự án lớn quan trọng quốc gia

Tại Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đầu tư công 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thống kê, tổng số dự án đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 4.533 dự án, trong đó, số dự án khởi công mới là 2.272 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong tổng số 4.533 dự án triển khai trong giai đoạn này, có 9 dự án quan trọng quốc gia, 3.563 dự án nhóm A, nhóm B (trong đó có 102 dự án trọng điểm, liên vùng).

Bộ KH&ĐT đánh giá, vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí tập trung hơn, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí. Ngân sách trung ương dồn lực vào các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án liên vùng, trọng điểm tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Nguyên tắc “tập trung bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những nhiệm vụ, công trình, dự án lớn, mang tính biểu tượng, xoay chuyển tình hình và chuyển trạng thái…” được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Thủ tướng yêu cầu triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với mục tiêu thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển phục vụ cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là ngân sách trung ương (bao gồm cả hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương) phải tập trung đầu tư vào các dự án quan trọng quốc gia, công trình, dự án lớn, có tính liên vùng, liên quốc gia, quốc tế, mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, quốc gia, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kiên quyết khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, kém hiệu quả.

Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024 yêu cầu, số lượng dự án đầu tư vốn ngân sách trung ương thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021 - 2025 định hướng khoảng 15 đến 20% tổng số lượng dự án; để tập trung cho các dự án lớn quan trọng quốc gia và không mất nhiều thời gian làm thủ tục.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để dẫn dắt, khai thác tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế khác; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc các ngành y tế, giáo dục, xã hội...

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với các mục tiêu, định hướng phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030; chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên các chương trình, nhiệm vụ, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương không bố trí vốn dàn trải, manh mún; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, liên quốc gia và liên quốc tế, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, chương trình, nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, chuyển đổi xanh…

Chuyên đề