Nhiều dự án ODA “lụt” tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Trung |
Theo đánh giá của một số nhà tài trợ, Việt Nam vẫn đang sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn ODA, tuy nhiên, chậm tiến độ dự án vẫn là một vấn đề cần tiếp tục chú trọng tháo gỡ trong thời gian tới để không lãng phí nguồn lực.
Chậm tiến độ 2 năm tăng chi phí 50%
Theo một nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, trong tổng số 66 gói thầu do WB tài trợ được đánh giá, 16 gói thầu được hoàn thành trước thời hạn, 22 gói thầu được hoàn thành đúng hạn, 28 gói thầu còn lại thi công chậm trễ kéo dài, có gói thầu chậm tiến độ tới 17 tháng. Trong tổng số các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước được nghiên cứu, đánh giá, có tới 85% số hợp đồng bị chậm trễ. Phân tích hồi quy của nhóm nghiên cứu cho thấy, đối với dự án xây dựng đường, trung bình cứ phát sinh chậm tiến độ 1 tháng thì giá quyết toán tăng thêm từ 400 - 2.300 USD/km.
Tại hội nghị về giải ngân ODA vừa diễn ra, các nhà tài trợ lớn cho Việt Nam nêu ra nhiều hệ lụy từ việc chậm tiến độ, chậm giải ngân dự án. Cụ thể, thời gian dự án bị kéo dài dẫn đến các phát sinh và tổng tiền vay tăng khi Việt Nam dịch chuyển từ nước được vay ưu đãi sang các khoản vay kém ưu đãi hơn, và lợi nhuận thu được trong tương lai sẽ bị chậm hơn dự kiến. Trong năm 2015, có 16 trong số 35 khoản vay (46%) do Nhóm 6 ngân hàng tài trợ đến hạn kết thúc nhưng phải kéo dài 2 năm trở lên. Kết quả nghiên cứu của ADB cho thấy, chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm (6,5% do lạm phát giá các hạng mục chính, 11,1% do lợi ích của dự án bị mất). Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.
Bà Lee Yoon Mee, Phó Trưởng đại diện KEXIM Bank tại Việt Nam cho biết thêm, việc chậm tiến độ thực hiện, chậm giải ngân dự án ODA làm tăng chi phí và lệ phí căn cứ vào điều khoản tăng giá trong các hợp đồng ODA. Dự án bị chậm dẫn đến tăng tổng chi phí dự án, nhất là phần xây dựng, tăng các chi phí khác như tư vấn, quản lý dự án, lãi suất phải trả trong thời gian thi công. Thậm chí cơ quan chính phủ có thể vi phạm hợp đồng và bị phạt, ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ tín nhiệm của Việt Nam.
Khuyến nghị từ nhà tài trợ
Ông Rustam Ishenaliev, Trưởng phòng Quản lý dự án thuộc Văn phòng ADB tại Việt Nam cho biết, chậm tiến độ có nguyên nhân quan trọng là chậm trễ trong khởi động các dự án sau khi khoản vay được phê duyệt. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho thấy, một dự án mới phải mất hơn 3 năm để bắt đầu.
Theo ông Rustam Ishenaliev, việc thực hiện các hành động trước khi các khoản vay có hiệu lực theo quy định hiện hành của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý ODA có thể giúp các chủ dự án bắt đầu dự án một cách dễ dàng hơn. Các hành động có thể thực hiện trước bao gồm: thành lập ban quản lý dự án, xây dựng khuôn khổ chính sách tái định cư, kế hoạch mua sắm đấu thầu, bày tỏ quan tâm, tài liệu thầu và phát hành hồ sơ mời thầu và các tài liệu có liên quan đến hợp đồng.
Ông Rustam Ishenaliev cũng khuyến nghị, muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần thiết kế dự án với chất lượng ban đầu tốt và mức độ sẵn sàng thực hiện cao. Thiết kế ở mức có thể thực hiện được với cơ cấu đơn giản, quy định rõ ràng chủ sở hữu và trách nhiệm; áp dụng các cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng khi bắt đầu thực hiện bằng cách nâng cao năng lực và đánh giá đầy đủ rủi ro về chủ sở hữu, mức độ khả thi tài chính và tổ chức thực hiện, bảo đảm nguồn vốn cho thu hồi đất và tái định cư.
Bà Lee Yoon Mee thì đánh giá cao quy định cho phép điều chỉnh kế hoạch ngân sách 2016 giữa các bộ, ngành, địa phương tại Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ và đề nghị nên áp dụng biện pháp tương tự trong tương lai.
Dẫn ra một nguyên nhân lớn tác động đến tiến độ thực hiện, giải ngân dự án ODA là năng lực thực hiện, quản lý hợp đồng ODA, ông Takahashi Akito, đại diện cao cấp Văn phòng JICA tại Việt Nam đề xuất, phải tiếp tục hài hòa, thống nhất các mẫu hợp đồng, đồng thời phải xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn cho các nhà thầu xây dựng trong nước nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.