Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, niềm tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể. Ảnh: Huấn Anh |
Xác lập kỷ lục doanh nghiệp thành lập mới
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2019, số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với các năm trước. Cụ thể, cả nước có 138.139 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số DN và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018.
“Trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm có thêm trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.
Về vốn đăng ký, cơ quan đăng ký kinh doanh cho biết, vốn bình quân trên một DN năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 1.254.368 lao động, tăng 13,3% so với năm 2018.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2018, bao gồm: vốn đăng ký của DN thành lập mới là hơn 1,73 triệu tỷ đồng, vốn đăng ký tăng thêm của các DN là 2,27 triệu tỷ đồng (giảm 5,6% so với năm 2018) với 40.076 DN đăng ký tăng vốn.
“Điểm sáng này thể hiện tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2019. Theo người đứng đầu cơ quan tham mưu Chính phủ về phát triển DN, niềm tin, kỳ vọng của các DN và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể. Trong đó, 76% tổng số DN có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo DN APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhìn nhận, xu hướng DN thành lập mới liên tục tăng trong những năm gần đây cho thấy những tác động tích cực trong nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Điều chưa từng có trong lịch sử là sự có mặt liên tiếp của 5 phiên bản Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó là 2 nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho DN.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2018
Còn rất nhiều việc phải làm
Vui mừng khi tinh thần khởi nghiệp kinh doanh đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN, người dân Việt Nam khi số DN mới liên tục tăng cao, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không khỏi trăn trở khi tỷ lệ DN giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Số liệu của Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT ghi nhận, giai đoạn 2017 - 2019, tỷ lệ DN ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới trung bình là 58%. Trong đó, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và năm 2019 khoảng gần 50%. Dẫu biết rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DN phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể, phá sản, song đây là điều không mong muốn, cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để DN phát triển và phát triển mạnh mẽ sau thành lập.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, còn thiếu vắng các DN có quy mô lớn và vừa, nếu có thì vẫn còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trình độ lao động và quản lý; tính liên kết giữa các DN... vẫn còn hạn chế. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý đối với DN còn nhiều tồn tại và bất cập; chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống; thủ tục còn phức tạp; mức độ bảo vệ nhà đầu tư còn thấp, chưa trở thành điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, DN yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, chưa khơi thông được nguồn lực còn rất nhiều tiềm năng trong xã hội…
Trước bối cảnh đất nước bước vào một thập kỷ mới, phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu thịnh vượng và hùng cường, phát triển DN và kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, người đứng đầu ngành KH&ĐT cho biết, cần có cơ chế, chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển DN…
Nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN phát triển, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, việc giải quyết các khó khăn của DN phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để DN bứt phá như: Tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa DN…