Lạm phát: Ổn năm nay, lo năm sau

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 gần như chắc chắn sẽ đạt mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều lực đẩy tiềm ẩn với lạm phát năm 2023 do giá đầu vào của sản xuất, kinh doanh đã tăng cao từ đầu năm nay song chưa phản ánh vào giá hàng hóa, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có thể được đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới, áp lực tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh đã tăng cao từ đầu năm nay song chưa phản ánh vào giá hàng hóa. Ảnh: Tiên Lê
Chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh đã tăng cao từ đầu năm nay song chưa phản ánh vào giá hàng hóa. Ảnh: Tiên Lê

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR), CPI năm nay có thể ở mức 3,5 - 3,8%. TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, dù việc kiểm soát lạm phát đã tương đối tốt trong 8 tháng đầu năm nhưng áp lực từ nay đến cuối năm vẫn còn. Do vậy, cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

“Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn phải linh hoạt và kiên trì các chính sách vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững. Nên từng bước triển khai các nhóm giải pháp bao gồm cả chính sách về tài khoá và tiền tệ có thể bị trì hoãn, do dự trong thời gian qua. Nếu dự báo tình hình lạm phát được kiềm chế tốt, thì nên cân nhắc một số động thái nới lỏng như nới hạn mức tín dụng và triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo đúng Nghị quyết của Chính phủ”, ông Việt khuyến nghị.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ở thời điểm này, vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia là lựa chọn cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng, tức là vừa chống lạm phát, vừa để không suy thoái kinh tế.

“Bài toán tưởng như bất khả thi này lại đang có kết quả “mỹ mãn” tại Việt Nam với CPI năm nay dự báo ở mức dưới 4% và tăng trưởng đạt từ 6,5% - 7%. Chúng ta đang làm tốt điều này, cần phát huy trong thời gian tới, song đó là thách thức lớn trong năm sau. Bởi lẽ, năm 2023, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, chắc chắn tác động đến xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam. Lạm phát sang năm có thể chấp nhận ở mức 4 - 4,5% để chia sẻ phần nào với nỗ lực giữ đà tăng trưởng kinh tế”, ông Lực nói.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Từng trải qua một vài giai đoạn bất ổn vĩ mô với hệ lụy kéo dài nên những năm gần đây và nhiều năm tiếp theo, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách của Chính phủ. Trong ổn định vĩ mô, CPI là chỉ số rất nhạy cảm và là một trong những yếu tố được xem xét đầu tiên”.

Theo ông Ánh, ở thời điểm hiện tại, có thể không đáng lo về lạm phát của năm nay song đây sẽ là mối quan ngại của năm sau bởi một số lý do. Trước hết, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng rất mạnh trong thời gian qua nhưng chưa phản ánh vào giá cả hàng hóa trong “rổ” tính CPI. Trong thời gian tới, nếu chi phí đầu vào vẫn ở mức cao thì nhiều khả năng giá cả hàng hóa sẽ bật lên.

Bên cạnh đó, nếu tiến độ giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư công và gói hỗ trợ lãi suất 2% được đẩy nhanh trong thời gian tới thì cung tiền vào nền kinh tế sẽ rất lớn.

Mặt khác, khi các nguồn lực vốn cho doanh nghiệp vẫn bị hạn chế, tín dụng gần như là “cửa vớt” để doanh nghiệp trông đợi. Do đó, áp lực đòi hỏi tăng hạn mức tín dụng sẽ rất cao. Nếu tín dụng tiếp tục đẩy vào nền kinh tế thì rủi ro lạm phát sẽ cao. Do đó, theo ông Ánh, vẫn phải tiếp tục chú trọng xem xét các khía cạnh nêu trên để có giải pháp kiểm soát lạm phát kịp thời, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính.

Các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Đồng thời, mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường.

WB cho rằng, khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc.

Chuyên đề