Linh hoạt điều chỉnh chính sách để thích ứng bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ góc nhìn của các tổ chức quốc tế, với triển vọng tăng trưởng tích cực, kinh tế Việt Nam đã lội ngược dòng so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, Việt Nam cần hóa giải tốt các thách thức ngắn hạn và trung hạn, ứng phó hiệu quả với các rủi ro từ bên trong và bên ngoài, linh hoạt điều chỉnh chính sách trong bối cảnh mới.
Theo IMF, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Theo IMF, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố đánh giá về kinh tế Việt Nam với nhận định các chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và hồi phục hoạt động du lịch, bán lẻ. Đó là căn cứ để tổ chức này tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7% trong năm nay, cao hơn 1 điểm % so với mức dự báo đưa ra 3 tháng trước. Việt Nam là nền kinh tế duy nhất tại châu Á được tăng dự báo tăng trưởng.

Tuy vậy, theo IMF, sự hồi phục kinh tế của Việt Nam cũng đối diện với một số “cơn gió ngược”, trong đó, sự suy giảm kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt từ các đối tác thương mại chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Đáng chú ý, sự không ổn định của các thị trường tài chính và thương mại toàn cầu có thể gây khó cho quá trình hồi phục.

Theo IMF, những yếu tố nói trên buộc các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt và thay đổi chính sách kịp thời. Trong đó, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Ngân hàng Nhà nước nên chú trọng xem xét về rủi ro lạm phát gia tăng, tiếp tục giải quyết tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm năng trên thị trường bất động sản để bảo đảm ổn định tài chính.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó, điểm được nêu rõ là cải cách môi trường kinh doanh và cải thiện thị trường lao động.

Vừa nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá, sức mạnh ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các "cú sốc" vĩ mô bên ngoài của kinh tế Việt Nam tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.

Tại báo cáo nghiên cứu mới đây, Ngân hàng HSBC cũng ghi nhận triển vọng tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam với nhận định: “bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặt hái thành công nhất định”.

Tuy nhiên, tổ chức tài chính này cũng cho rằng, nâng cấp và mở rộng kết nối đường bộ của Việt Nam vẫn là vấn đề cốt lõi, xét mức độ phụ thuộc vào vận tải đường bộ của sản xuất và di chuyển của người dân. Để cân bằng giữa nhu cầu ngày càng tăng đối với hạ tầng chất lượng và hạn chế trong nguồn vốn công, theo HSBC, Việt Nam cần tiếp tục khai thác mô hình đối tác công tư (PPP), cần có thêm những cải cách để khuyến khích khối tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án lớn dài hạn.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm sẽ chịu tác động bởi những rủi ro từ xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát.

“Các cơ quan chức năng đã thực thi nhiều giải pháp để ứng phó với các thách thức nói trên, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là việc cần làm liên tục để nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn mới”, ông Việt nói.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đánh giá mới đây của các tổ chức quốc tế là góc nhìn khách quan và tiếp tục khẳng định triển vọng tăng trưởng tích cực từ thực tiễn kết quả của nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Để hóa giải những thách thức trong bối cảnh mới, ông Bình cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời xem xét điều chỉnh linh hoạt các chính sách đã thực thi nhưng chưa phát huy hiệu quả hoặc hiệu quả chưa đạt như mong đợi.

“Để hóa giải thách thức từ tổng cầu của các thị trường xuất khẩu chủ lực suy giảm, cần kiên trì các chiến lược mở rộng thị trường, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tiếp tục phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát rủi ro lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh là hoạt động phải làm liên tục, cần khởi động lại mạnh mẽ hơn sau khi bị chững lại trong thời gian qua. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ phục hồi có hiệu quả chưa như mong đợi cần được xem xét thấu đáo, thậm chí, có thể tính đến việc dừng thực hiện để chuyển nguồn lực cho các giải pháp hiệu quả hơn. Trong bối cảnh mới, việc hoạch định và thực thi chính sách cần được đánh giá lại để có thể điều chỉnh và tối ưu hóa kết quả đạt được”, ông Bình nói.

Chuyên đề