Thị trường EU chiếm khoảng 18 - 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong mấy năm qua. Ảnh: Lê Tiên |
Thị trường lớn, đòi hỏi cao
Hiệp định EVFTA được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như “đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt, với Việt Nam, khi Hiệp định có hiệu lực sẽ đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ chiều ngược lại.
Khẳng định tại Tọa đàm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, EU là một thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm sang thị trường này chiếm 18 - 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ giúp doanh nghiệp (DN) có sự chuyển đổi, hướng tới các ưu đãi mang tính dài hạn hơn.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về mặt vĩ mô, Hiệp định EVFTA góp phần tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023, 4,57 - 5,30% trong giai đoạn 2024 - 2028 và 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029 - 2033.
Tuy nhiên, tại Tọa đàm, các ý kiến nhận định, không hẳn cứ có đường cao tốc là các địa phương nơi có đường cao tốc đi qua đều phát triển. Nhìn vào việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Thái bày tỏ: “Nếu chậm trễ trong việc ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi Hiệp định CPTPP lan sang Hiệp định EVFTA, chắc chắn việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA sẽ bị ảnh hưởng”.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Để chủ động nắm bắt tốt nhất cơ hội từ Hiệp định EVFTA, vừa qua, Chính phủ giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp.
Theo ông Thái, hiện Việt Nam đã hoàn thành nhiều bước cơ bản về Hiệp định EVFTA. Trong đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định; Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành rà soát xong danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để thực thi Hiệp định… Đặc biệt, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo thông tư về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định, dự kiến ban hành vào tháng 5/2020.
Bên cạnh sự chủ động của cơ quan quản lý, ông Thái nhấn mạnh, sự chủ động của các DN là rất quan trọng. Khác với việc chờ đợi hướng dẫn của cơ quan quản lý trong việc thực hiện Hiệp định, hiện nay đã có nhiều DN chủ động thuê các tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU.
Để tiếp cận thị trường này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần nhanh chóng có những quy định pháp luật từ phía Việt Nam để DN có thể tiếp nhận hàng hoá có xuất xứ của EU được hưởng lợi. Các cơ quan đàm phán tăng cường phổ biến với DN, thậm chí cần biên soạn cẩm nang hướng dẫn cho các DN hay thành lập những đội phản ứng nhanh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, các DN sẽ không có thị trường nếu không minh bạch, không đạt được những chuẩn mực về quản trị, chuẩn mực về phát triển…