Kỳ vọng “lò xo” FDI bật tăng sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong tháng 4 này, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có cam kết tỷ USD vào Việt Nam. Nhiều ý kiến nhận định có nhiều tín hiệu tốt về các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao vào Việt Nam trong năm 2022 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể ví như “chiếc lò xo bị nén lại” trong đại dịch, sẽ bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19.
Trong các tháng đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hoặc rót thêm vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: Lê Tiên
Trong các tháng đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hoặc rót thêm vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: Lê Tiên

Những cam kết tỷ USD

Ngày 25/4/2022, UBND tỉnh Quảng Trị ký thỏa thuận hợp tác đầu tư 2 dự án có tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ USD với Tập đoàn Quantum của Hoa Kỳ và Công ty CP BB Group (Việt Nam). Đó là Dự án Trung tâm công nghiệp khí Hải Lăng - Quảng Trị có quy mô khoảng 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD và Dự án Cảng tổng hợp Quảng Trị có quy mô khoảng 275 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD.

Chiều 19/4, tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh, đã có doanh nghiệp Ấn Độ đến khảo sát và chọn tỉnh Hải Dương để đầu tư Dự án Công viên dược quốc tế với cam kết vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD.

Bên cạnh những cam kết, những dự định, trong các tháng đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam để “xây tổ”, mở rộng sản xuất. Ngày 18/3, Dự án Công ty TNHH Lego manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD tại Bình Dương được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nhiều dự án được mở rộng vốn với quy mô lớn trong các tháng đầu năm như Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng gần 941 triệu USD; Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD...

Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và Triển vọng năm 2022 vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) công bố, nhóm tác giả của NEU và Đại học Ngoại thương nhận định, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới trong bối cảnh đại dịch. Có thể nói Việt Nam đã thành công trong chiến lược “xây tổ đón đại bàng”, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục thu hút FDI trong thời gian tới. Nếu sớm đưa nền kinh tế trở lại bình thường, lượng vốn FDI đăng ký mới có thể “bùng nổ” mạnh mẽ hơn.

Nhiều cơ hội mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3/2022 mang đến nhiều tín hiệu tích cực đối với hoạt động thu hút đầu tư. Ngay khi có thông tin chính thức về mở cửa các chuyến bay thương mại, lượng yêu cầu thuê kho xưởng khu công nghiệp tăng đáng kể so với thời điểm 2 tuần đầu tháng 2. Dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp trong năm 2022 được dự báo có khả năng tăng trong thời gian tới với các doanh nghiệp chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và EU.

Bộ KH&ĐT cũng dự báo Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Đặc biệt, trong lĩnh vực điện tử, trong 2 năm qua nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử lớn của Đài Loan đã xây dựng nhà máy tại Ba Lan, Hungaria, Czech… Theo đó, do tác động của xung đột Nga - Ukraine, một số đơn hàng từ châu Âu có thể được dịch chuyển về sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các đơn hàng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ… vì tại ASEAN, Việt Nam có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (Singapore có FTA nhưng không có nền sản xuất hàng hóa).

Tuy nhiên, cuộc xung đột này có tầm ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, có thể tác động tiêu cực đến Việt Nam. Rủi ro trong hoạt động đầu tư sẽ tăng lên khi nguồn vốn quốc tế có khả năng suy giảm. Dù vậy, với tình hình chính trị - xã hội ổn định, triển vọng phục hồi tăng trưởng cao, môi trường đầu tư và kinh doanh liên tục được cải thiện, hội nhập quốc tế của Việt Nam sâu rộng, dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam nhiều khả năng được hưởng lợi từ biến động của dòng vốn đầu tư quốc tế và có thể tăng mạnh.

Để đón dòng vốn “bùng nổ” sau đại dịch, nhóm nghiên cứu của NEU khuyến nghị cần điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo kịp những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới. Đổi mới xúc tiến đầu tư, chuyển sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tại thị trường truyền thống và tận dụng FTA thế hệ mới để doanh nghiệp các nước OECD, châu Âu, Mỹ rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn dự án FDI.

Chuyên đề