Nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức tranh thu hút, thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục cho thấy niềm tin từ nhà ĐTNN vào triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời cũng chứng minh những giải pháp, chính sách điều hành thời gian qua và cam kết của Chính phủ tiếp tục ghi điểm với cộng đồng nhà đầu tư.
Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên vừa được tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD. Ảnh: Song Lê
Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên vừa được tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD. Ảnh: Song Lê

Vốn đăng ký tăng thêm gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2021

Rất nhiều nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam quyết định tăng mạnh vốn trong 2 tháng đầu năm 2022. Góp mặt trong số đó có Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông) tại Bắc Ninh tăng thêm gần 306 triệu USD...

Theo số liệu của Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước có 142 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng gấp hơn 2,2 lần. Bên cạnh đó, góp vốn, mua cổ phần tuy giảm về số lượt nhưng tổng giá trị vốn góp đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư đăng ký mới giảm do không có nhiều dự án quy mô lớn, song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng (45,2%), cho thấy niềm tin của nhà ĐTNN vào kết quả phòng chống dịch Covid-19, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Đặc biệt, vốn thực hiện của các dự án ĐTNN 2 tháng đầu năm ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2,68 tỷ USD. Cục ĐTNN nhận định, Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nỗ lực thu hút làn sóng đầu tư mới

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên vừa diễn ra, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều cho biết, thành viên của những hiệp hội này đang rất lạc quan vào triển vọng phục hồi, phát triển của Việt Nam.

Với nhiều lợi thế, Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm một môi trường đầu tư tiềm năng, an toàn và cạnh tranh. Việt Nam đã ban hành nhiều luật quan trọng có hiệu lực từ năm 2021, góp phần thiết lập khuôn khổ pháp lý đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến phương thức đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới hiện tại và trong tương lai gần.

Từ đầu năm đến 20/2/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 183 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đạt gần 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm trước do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới, trong đó có Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022 chỉ có 1 dự án mới có vốn đầu tư 136,4 triệu USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với những nỗ lực, quyết tâm rất cao của Chính phủ để cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch, dòng vốn ĐTNN sẽ có mức tăng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Các bộ, ngành, địa phương thể hiện luôn đồng hành cùng nhà đầu tư. Đơn cử trước phản hồi của nhà đầu tư về việc các địa phương yêu cầu những giấy tờ ngoài quy định, Bộ KH&ĐT khẳng định, nếu chính quyền địa phương yêu cầu bổ sung các tài liệu khác ngoài quy định của pháp luật, nhà đầu tư có thể báo cáo (với các bằng chứng như yêu cầu không đúng theo pháp luật của chính quyền địa phương) cho Bộ KH&ĐT qua email, hoặc thông qua đối thoại trong những trường hợp cấp bách… Các bộ, ngành cam kết thực hiện thống nhất, thông suốt, đồng bộ trong việc giải thích và áp dụng pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và pháp luật liên quan khác cùng hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xác định cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong 5 nhóm giải pháp được dồn lực thực hiện. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong lúc mở cửa đón các nhà đầu tư quay trở lại.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư