Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm việc với ông Tan See Leng, Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công thương Singapore. Ảnh: Nhã Chi |
SBF thông tin, với chủ đề “Tăng cường hợp tác khu vực để tăng trưởng bền vững”, Diễn đàn đặt mục tiêu mở rộng mối quan hệ kinh tế và tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Singapore và Việt Nam. Trong khuôn khổ Diễn đàn, nhiều biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp, hiệp hội thương mại Singapore được ký kết với các đối tác Việt Nam. Song hành cùng SRBF, SBF tổ chức đưa một phái đoàn doanh nghiệp đến Hà Nội tìm hiểu về môi trường kinh doanh, tăng cường mối liên kết hợp tác với các doanh nghiệp địa phương và thúc đẩy quan hệ song phương. Đoàn gồm 28 đại diện thuộc 25 doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, ngành hàng tiêu dùng và phong cách sống.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2023, Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam với hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, với gần 73,4 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.
Ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành SBF cho biết, các công ty Singapore rất quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam do tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng và khả năng sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là mạnh mẽ.
Cùng với những lĩnh vực hợp tác truyền thống, một số lĩnh vực mới được hai nước xúc tiến thúc đẩy hợp tác là đổi mới sáng tạo và kinh tế xanh - kỹ thuật số. Thời gian qua, hàng loạt MOU được ký kết giữa hai nước, như MOU về hợp tác năng lượng giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Bộ Công Thương Việt Nam, hợp tác về tín chỉ carbon giữa MTI và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; MOU về Nhóm công tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore ký giữa Bộ Công Thương Singapore và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 16; Chương trình Trao đổi nhân tài Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore. Gần đây là MOU về Quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ...
Ông Kok Ping Soon chia sẻ, có rất nhiều điều mà Singapore và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số để cùng phát triển, nhằm giải quyết các lợi ích cũng như cam kết quốc tế và khu vực của hai nước. Singapore mong muốn hợp tác để hỗ trợ các công ty Việt Nam chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng và an ninh mạng. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, Singapore muốn hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 ở cả hai nước. “Chúng tôi đang tìm cách phát triển một mạng lưới điện kết nối Singapore và Việt Nam. Nếu được thực hiện, đây có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác và thương mại năng lượng điện trong ASEAN”, lãnh đạo SBF chia sẻ.
Tại cuộc làm việc ngày 6/7/2023 với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông Tan See Leng, Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công thương Singapore chia sẻ, SRBF lần thứ 7 có 280 doanh nghiệp Singapore tham gia trực tiếp, 300 doanh nghiệp tham gia trực tuyến với tổng số người 1.000 tham dự, cho thấy doanh nghiệp có niềm tin mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, Diễn đàn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại kinh tế. Bộ trưởng cho rằng, tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực mới là rất lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, kỳ vọng doanh nghiệp Singapore tiếp tục đẩy mạnh hợp tác.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Singapore tiếp tục nghiên cứu các hoạt động hợp tác mới, nâng cao năng lực, phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo, cung cấp học bổng cho sinh viên, trao đổi startup, ủng hộ Việt Nam thành lập quỹ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ Việt Nam tổ chức triển lãm công nghệ quốc tế tại Hòa Lạc… Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, y tế, môi trường, bán dẫn...
Bộ trưởng Tan See Leng cũng chia sẻ nhiều dự định, cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh - kinh tế số. Với đổi mới sáng tạo, thời gian tới tập trung vào một số hoạt động, như xây dựng chương trình trao đổi tài năng một cách thiết thực, hiệu quả; xây dựng nền tảng thu hút đầu tư, tài chính, kết nối các nhà đầu tư với các startup... Với lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số, ông Tan See Leng cho biết, Singapore có kế hoạch nghiên cứu khảo sát về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, mong muốn và tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường carbon, thu hút các nguồn tài chính xanh... “Chúng tôi cũng mời nhiều tập đoàn hàng đầu Singapore chuyên đầu tư vào hạ tầng, logistics để xem xét đầu tư vào hạ tầng bền vững tại Việt Nam”, ông Tan See Leng thông tin.