Kịp thời nắm cơ hội từ sự phục hồi của đối tác lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng là đối tác của Việt Nam đang phục hồi khá khả quan. Với những lợi thế của mình, Việt Nam cần có bước đi kịp thời, nhanh nhạy để tận dụng được cơ hội đẩy mạnh thương mại, đầu tư, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo người lao động thích ứng nền kinh tế số. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo người lao động thích ứng nền kinh tế số. Ảnh: Lê Tiên

Thêm cơ hội mới

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021 và ở mức 4,4% vào năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng sẽ đạt 4% vào 2021. Còn theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), con số này sẽ là 5,8% vào năm 2021 và 4,5% vào năm 2022. Trong đó, các đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc có triển vọng kinh tế rất khả quan do đã thực hiện chiến lược tiêm vắc xin trên diện rộng và chủ động được nguồn vắc xin. Đầu tháng 7/2021, Ủy ban Châu Âu (EC) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của EU từ 4,3% lên 4,8% năm 2021; IMF nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 4,6% lên 7% năm 2021. Bà Dorsati Madini, chuyên gia kinh tế của WB đánh giá sự phục hồi của các đối tác thương mại chính của Việt Nam là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), do tác động của dịch Covid-19, chính sách của các nền kinh tế lớn có sự thay đổi, hướng đến tìm kiếm sự cân bằng giữa liên kết kinh tế với nâng cao năng lực tự chủ; sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng để giảm rủi ro đứt gãy, gián đoạn. Nhiều nước chủ trương đưa sản xuất về gần thị trường hoặc về nước; dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc hoặc chiến lược “Trung Quốc + 1”. Xu hướng xanh hóa và số hóa nền kinh tế được đẩy mạnh. Mỹ coi trọng và chủ trương củng cố quan hệ với ASEAN. EU đẩy mạnh khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); đưa cam kết về môi trường và tiêu chuẩn sản xuất vào FTA… Với những lợi thế của mình, Việt Nam có cơ hội từ những chiến lược, chính sách mới này.

Nhanh nhạy để đón bắt cơ hội

Việt Nam đang hội tụ nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu thay đổi đối với Việt Nam để giữ chân nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong xu hướng chuyển đổi số, VEPR khuyến nghị, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về sự thuận lợi trong vị trí địa lý, độ mở thương mại lớn và mạng lưới FTA bao phủ nhiều đối tác thương mại lớn, để có giải pháp mới đón đầu xu hướng phát triển của thế giới. Có thể chuyển hướng sang những hoạt động cao cấp hơn trong mối liên kết sau của chuỗi giá trị toàn cầu, ví dụ như phát triển các dịch vụ sau bán hàng hay khâu phân phối sản phẩm.

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam có những chính sách ưu đãi đầu tư mới. Ấn Độ đề xuất miễn thuế trong 10 năm cho các khoản đầu tư nước ngoài từ 500 triệu USD lĩnh vực thiết bị y tế, điện tử, thiết bị viễn thông…; đề xuất cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng 1 tuần với điều kiện nhà đầu tư đồng ý hoàn thiện hồ sơ trong vòng 1 năm. Indonesia miễn thuế từ 5 - 10 năm đối với các ngành luyện kim, lọc dầu, hóa chất cơ bản, máy công nghiệp, tài nguyên tái tạo, thiết bị viễn thông. Thái Lan giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm với một số đối tượng; miễn thuế nhập khẩu cho nguyên vật liệu sử dụng trong nghiên cứu và phát triển. Philippines ưu đãi thuế 3 năm đối với dự án mở rộng và tăng năng lực sản xuất thực tế…

Một số ý kiến lo ngại tốc độ tiêm chủng của Việt Nam còn chậm, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp có thể khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, vừa ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào Việt Nam vừa khiến nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh này, bà Dorsati Madini cho rằng, Việt Nam cần có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu suất, hiệu quả cao hơn để tạo lợi thế xuất khẩu cũng như giữ chân nhà đầu tư. Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo người lao động thích ứng nền kinh tế số để có thể làm việc trong các doanh nghiệp mới.

Trong xu hướng chuyển đổi số, VEPR khuyến nghị, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về sự thuận lợi trong vị trí địa lý, độ mở thương mại lớn và mạng lưới FTA bao phủ nhiều đối tác thương mại lớn, để có giải pháp mới đón đầu xu hướng phát triển của thế giới. Có thể chuyển hướng sang những hoạt động cao cấp hơn trong mối liên kết sau của chuỗi giá trị toàn cầu, ví dụ như phát triển các dịch vụ sau bán hàng hay khâu phân phối sản phẩm. Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không còn phụ thuộc rất lớn vào mức độ kiểm soát dịch bệnh cũng như chiến lược sống chung với đại dịch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Theo Bộ KH&ĐT, các địa phương cần bám sát, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; các bộ, ngành tổ chức hướng dẫn và triển khai các giải pháp về xuất nhập cảnh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy nhanh cấp giấy phép lao động, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, tư vấn vào làm việc tại Việt Nam.

Chuyên đề