Kịp thời khích lệ, tạo động lực cho doanh nhân nỗ lực vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thềm Lễ kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Chính phủ vừa có cuộc gặp gỡ với đại diện giới doanh nhân để tri ân những thành tích, đóng góp tích cực; kêu gọi sự đoàn kết, chung tay góp sức đồng hành xây dựng đất nước; đồng thời lắng nghe nguyện vọng, ý kiến đóng góp xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành trong giai đoạn bình thường mới.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đa số ý kiến tại Cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với doanh nhân trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) đều bày tỏ sự đồng lòng, ủng hộ và nhất trí cao với những chủ trương, quyết sách kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua như thuế, tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… Sự vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo niềm tin, động lực cho doanh nhân nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn.

Thay mặt cho giới doanh nhân cả nước, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới.

“Chúng tôi tin tưởng và mong rằng, các giải pháp, chính sách đã đề ra sẽ được quyết liệt triển khai, phản hồi của các DN về các vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách mới sẽ được lắng nghe, kịp thời gỡ bỏ. Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các DN cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI khẳng định, cộng đồng DN xác định “trong nguy có cơ”, lấy dịch Covid-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Mặc dù vậy, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh giai đoạn tới trong điều kiện bình thường mới vẫn được giới doanh nhân, DN và các hiệp hội DN, hợp tác xã nhận định là còn nhiều khó khăn và phải sẽ mất rất nhiều năm. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, cộng đồng DN cần có sự hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ với những giải pháp chính sách cụ thể, bên cạnh việc kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều DN có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, DN Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của DN là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để DN vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

Thực tế còn cho thấy, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng DN đang còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình. Trong thời gian tới, bà Minh kiến nghị đưa vào Luật DN khái niệm DN do phụ nữ làm chủ, từ đó giúp xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất.

“Chúng tôi mong tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật. Chúng tôi cũng rất mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ cho cộng đồng DN bất động sản nói riêng, DN nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển”, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, ngành xây dựng có đóng góp rất lớn vào GDP Việt Nam. Ông Hiệp đề xuất các giải pháp trước thực trạng các DN trong ngành hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trở lại; kiến nghị xử lý một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi xử lý các tranh chấp do tác động của dịch bệnh, vấn đề lãi suất cho các DN trong ngành xây dựng…

Trong chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, bao trùm của các DN thời gian tới, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam kiến nghị, bên cạnh việc thích ứng an toàn với dịch bệnh thì việc quản trị nguồn lực lao động, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng có vai trò rất quan trọng. Do vậy, cộng đồng DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về các vấn đề này thông qua các hiệp hội DN.

Đặc biệt, một trong những xu hướng phát triển được nhiều ý kiến đề cập tới là chuyển đổi số. Theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Covid-19 buộc chúng ta phải chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt chuyển đổi số y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, xây dựng đô thị thông minh và Chính phủ số. Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng cho rằng, công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu Covid-19. Do vậy, Chính phủ nên giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn…

Tại Cuộc gặp, Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả các hiệp hội DN, DN, doanh nhân về những đóng góp to lớn vào thành tích quan trọng, tích cực về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội, nhất là những kết quả chống dịch vừa qua.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng DN với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: “Chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng DN. Trong sản xuất, kinh doanh thì DN là trung tâm, là chủ thể. DN là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới DN; DN là chủ thể thì DN đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể nhà nước, nhân dân và DN”.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ cần nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có DN.

Việt Nam đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh song phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh. Chính phủ đang khẩn trương trình cấp có thẩm quyền về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung. Hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, lãi suất, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số; đặc biệt là có nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động. Nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn…

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường nguồn lực và khả năng hoạt động, năng lực ứng phó của các cấp, nhất là hệ thống y tế các cấp.

“Có nhiều việc làm tốt, có không ít việc chưa làm được, quan trọng nhất là chúng ta phát hiện kịp thời để tháo gỡ, giải quyết. Đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa. Tôi tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Tôi tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng DN, doanh nhân với sự nghiệp chung, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, chung tay xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra”, Thủ tướng kêu gọi.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề