Kinh tế Việt Nam 2022: Nhận diện động lực tăng trưởng và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự đoán cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt khoảng 2%, là mức khá thấp trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những động lực cho công cuộc phục hồi ngày càng rõ nét, dù nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Lê Tiên

Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều biến động trong quý III sau cuộc chiến chống lại biến chủng Delta. Do đó, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 xuống 2% từ mức 3,8% theo dự báo hồi tháng 9/2021, nhưng vẫn giữ nguyên mức 6,5% cho năm 2022.

Đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại “trái ngọt”.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam. Các công trình hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, tăng trưởng ước đạt khoảng 2%, thấp nhất trong cả quá trình đổi mới của Việt Nam. Năm 2022, có một số yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trước hết là diễn biến dịch bệnh. Bên cạnh đó là khả năng bắt nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới. Yếu tố quan trọng khác là sự hỗ trợ của Chính phủ, do chưa có tiền lệ nên quá trình triển khai có thể xảy ra một số điểm bất cập. Tuy nhiên, việc Chính phủ tiếp tục triển khai những biện pháp hỗ trợ đủ lớn và diện hỗ trợ phủ rộng là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế.

“Nhìn chung, sau không ít trắc trở, Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, những chương trình cải cách cơ bản đã được đặt ra. Điều Việt Nam đang rất cần là những hành động đột phá, quyết liệt và tốc độ nhanh để xử lý tình thế khó khăn hiện nay, trong đó tốc độ là tiêu chí rất quan trọng”, ông Thành nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để phục hồi động lực tăng trưởng, yếu tố quan trọng là phục hồi nhu cầu đầu tư trên cả ba mặt: đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, các yếu tố thuận lợi cho nỗ lực phục hồi là dư địa tài khóa tích cực, môi trường kinh tế vĩ mô khá vững, niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro nhất định từ nguy cơ dịch bệnh kéo dài, nguy cơ lỡ nhịp khi không kiểm soát tốt được dịch bệnh làm cho kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế bị đình trệ, làm cạn kiệt lòng kiên nhẫn của các nhà đầu tư.

Những giải pháp cần thực hiện là tích cực hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu (giảm chi phí logistics, hỗ trợ chi phí phòng dịch, đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động 100% công suất, tăng cường năng lực thông quan…). Đồng thời, kích cầu tiêu dùng, trong đó chú trọng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo là một động lực cực kỳ quan trọng để đẩy mạnh sản xuất hiện nay.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, chính sách tài khóa của Việt Nam cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng. Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng của Covid-19. Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước.

Còn theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cần theo dõi sát sao một số vấn đề để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. Một chỉ số cần giám sát kỹ là giá năng lượng đang tăng lên, kéo theo chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát.

“Với Việt Nam, tôi vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng. Năm 2021 đã sắp khép lại, tình huống tệ nhất đã ở lại sau lưng chúng ta. Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hồi thực sự”, ông Tim Evans chia sẻ.

Chuyên đề