Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
3 điểm sáng tăng trưởng
Theo công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II. Kết quả này cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất (8,61%); khu vực dịch vụ tăng 6,87%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%.
Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm từ 2011 - 2016. Quý III/2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng (8,61%); xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,13%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,76%.
“Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là 3 nhóm có tốc độ tăng trưởng tốt, là điểm sáng tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần” - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018.
Thận trọng với những diễn biến phức tạp
Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế thế giới.
Trước những diễn biến tăng giảm của giá xăng dầu, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng ngay tới giá thành các sản phẩm khác vì nó là mặt hàng chiến lược trong tiêu dùng và sản xuất. Khi ảnh hưởng tới giá sản phẩm thì sẽ làm chỉ số giá sản xuất tăng, tác động tới tiêu dùng.
Trong 9 tháng năm 2018, ở trong nước đã có 8 lượt tăng và 3 lượt giảm giá xăng; 10 lượt tăng và 4 lượt giảm đối với mặt hàng dầu diesel. Những thay đổi này đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,69%.
Thời gian qua, Chính phủ luôn nỗ lực điều hành, kiểm soát lạm phát với mục tiêu CPI bình quân dưới 4%, trong đó, mặt hàng xăng dầu được điều hành linh hoạt. Mặc dù giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới CPI, nhưng mục tiêu lạm phát của năm 2018 sẽ được Chính phủ kiểm soát tốt với việc sử dụng phù hợp Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tác động tăng giá của mặt hàng này đến CPI.
Liên quan đến tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN), số DN đăng ký thành lập mới tính chung 9 tháng là 96.611 DN; vốn đăng ký bình quân mỗi DN đạt 10 tỷ đồng. Cùng với đó, có 22.897 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 119.500 DN. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng hoạt động lên tới 73.103 DN, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng là 11.536 DN.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển. Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành DN, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.