Kiến tạo không gian kinh doanh rộng mở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ đã nêu rõ thông điệp tạo mọi điều kiện thuận lợi, đảm bảo sân chơi bình đẳng, hỗ trợ và phát triển mọi loại hình doanh nghiệp (DN). Báo Đấu thầu đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về việc tạo không gian kinh doanh rộng mở cho mọi DN, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để cùng xây dựng một cộng đồng DN vững mạnh trong giai đoạn phát triển mới.
Để tận dụng được những cải thiện về môi trường kinh doanh, bản thân doanh nghiệp phải cố gắng để tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Nhã Chi
Để tận dụng được những cải thiện về môi trường kinh doanh, bản thân doanh nghiệp phải cố gắng để tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông, liệu đã có sự bình đẳng giữa các loại hình DN về tiếp cận nguồn lực kinh doanh?

Trước đây có thể dễ dàng nhìn thấy sự thiếu bình đẳng giữa các loại hình DN trong tiếp cận nguồn lực. DN nhà nước được coi là con đẻ của Nhà nước nên vừa có nguồn vốn dồi dào, vừa được tạo điều kiện tiếp cận đất đai, tài nguyên. Nhiều DN nhà nước không phải thuê đất hoặc thuê với mức giá rất rẻ và luôn ở vị trí có lợi thế trong cạnh tranh. Trong khi đó, DN tư nhân gặp khó khăn hơn nhiều trong việc tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai. Họ phải thuê đất với giá cao hơn nhiều so với mức thuê của DN nhà nước. Cách đối xử trong quản lý của Nhà nước đối với hai loại hình này cũng không bình đẳng.

Khi gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, DN nhà nước có thể vẫn được “cứu” bởi e ngại ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt. Trong khi đó, DN tư nhân không có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn hỗ trợ như vậy và có thể rơi vào phá sản.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn

PGS.TS Bùi Quang Tuấn

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với các chủ trương đúng đắn về sắp xếp lại DN nhà nước, khoảng cách tiếp cận nguồn lực giữa hai nhóm DN này đã được thu hẹp. Đặc biệt, nỗ lực thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Nhưng cũng vẫn phải nói thêm rằng, tạo bình đẳng là việc không dễ dàng và vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Các báo cáo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện về môi trường kinh doanh song vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Đơn cử, trước câu hỏi về việc “địa phương có ưu ái cho DN nhà nước hoặc DN có phần vốn nhà nước hơn DN tư nhân không?”, tỷ lệ DN trả lời “có” vẫn còn ở mức 25%. Đó là một tỷ lệ lớn và còn nhiều việc cần làm để tiếp tục cải thiện. Giai đoạn tới cần phải có đột phá mạnh mẽ hơn.

Các loại hình DN, đặc biệt là DN tư nhân cần làm gì để có thể hưởng lợi ích từ những cải thiện về môi trường kinh doanh, thưa ông?

Để tận dụng được những cải thiện về môi trường kinh doanh, bản thân DN cũng phải cố gắng để nâng cao năng lực của mình. Cần phải nâng cao năng lực quản lý, năng lực công nghệ để có thể tồn tại vì cạnh tranh bình đẳng thì DN càng khỏe càng có cơ hội phát triển, DN yếu sẽ rơi vào phá sản.

Còn từ phía Nhà nước, để các DN tận dụng tốt hơn điều kiện môi trường kinh doanh, việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng cũng cần làm triệt để hơn. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố nêu rõ, năm 2016, 66% DN được hỏi cho biết phải trả chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh, con số này giảm dần nhưng vẫn còn ở mức khoảng 45% vào năm 2020. Con số như vậy vẫn là cao. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều tình huống buộc DN phải trả phí không chính thức. Đây cũng là điểm gây khó cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Chính phủ đã có chủ trương hình thành các DN nhà nước lớn và các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh. Theo ông, cần lưu ý những gì khi thực hiện chủ trương này?

Đó là một chủ trương đúng đắn. Đã đến lúc cần có các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, có thể kiểm soát được chuỗi giá trị của mình. Tuy nhiên, cần rà soát để xác định và phát huy lợi thế, điểm mạnh của từng DN. Sự thành công của các tập đoàn này sẽ tạo động lực và khuyến khích thúc đẩy DN tư nhân mạnh dạn đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và thương hiệu quốc gia. Sau khi đã xác định các DN tư nhân trọng tâm, cần có chiến lược tập trung nguồn lực để phát triển nhưng tránh tạo thêm sự bất bình đẳng.

Tương tự, việc hình thành các DN nhà nước quy mô lớn cũng rất xác đáng nhưng cần có cách giải quyết những bất cập của mô hình DN nhà nước trước đây.

DN nhà nước hay được giao thêm nhiệm vụ giải quyết các bài toán ổn định kinh tế - xã hội. Tôi đã từng tiếp xúc một DN nhà nước ngành cao su. Họ đã từng có thời gian ăn nên làm ra với hàng ngàn lao động, nhưng khi nền kinh tế chuyển đổi, thị trường biến động, giá cao su giảm mạnh, họ buộc phải tái cơ cấu. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu gặp rất nhiều khó khăn, từ việc chuyển đổi đất trồng cao su sang mục đích khác đến việc phải đảm bảo việc làm cho nhân viên, thực hiện các mục tiêu xã hội. Như vậy, mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ được giao.

Điều này cho thấy cơ chế chính sách với DN nhà nước vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản trị của DN. Đó là bài toán về quyền sở hữu, đất đai và quản trị. Những nội dung này đã được cải thiện một phần trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa thật sự triệt để. Để giải quyết triệt để, cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, xã hội. Nếu không tách bạch thì bài toán hiệu quả là khó giải. Có không ít DN nhà nước viện lý do phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, xã hội để biện hộ cho việc kinh doanh thua lỗ. Do vậy, DN nhà nước vẫn có thể thực thi các mục tiêu xã hội, nhưng cần phải có quy định rõ ràng cho loại hình này để tách bạch các vai trò với nhau, tránh méo mó trong quản trị DN, từ đó tạo động lực cho DN nhà nước phát huy các thế mạnh và đảm nhiệm tốt vai trò được giao.

Bên cạnh việc xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh hay các DN nhà nước quy mô lớn, cũng cần phải xem xét vấn đề độc quyền trong nền kinh tế. Bởi nếu hình thành một số DN quá lớn, có mức độ chi phối lớn có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, ở mức độ nào đó sẽ gây méo mó thị trường. Đây cũng là điều luôn được giới quản trị ở các nước trên thế giới rất chú trọng giám sát để đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.

Có ý kiến cho rằng, Chính phủ không nên là người kiểm soát, trói buộc mọi DN mà nên trở thành “bà đỡ” cho DN. Theo ông, ý kiến đó có đúng không?

Tôi đồng tình với ý kiến này. Trong kinh tế thị trường, DN cần được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, bình đẳng về các cơ hội kinh doanh để cạnh tranh sòng phẳng và cùng vươn lên, tạo thành cộng đồng DN vững mạnh cho nền kinh tế. Điều này chỉ có thể thực hiện được với hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, chính sách có tính ổn định, tạo sự tự do để DN yên tâm đầu tư và kinh doanh. Đây cũng chính là chủ trương “Nhà nước kiến tạo phát triển” đã được đặt ra và thực hiện khá mạnh trong những năm gần đây. Điều này cần được làm tốt hơn trong giai đoạn sắp tới.

Tuy nhiên, tạo không gian kinh doanh tự do không có nghĩa là không kiểm soát. Bởi kinh tế thị trường cũng tiềm ẩn vấn đề thất bại của thị trường, trong đó độc quyền, thông tin bất đối xứng,... là ví dụ. Cần có sự can thiệp của Nhà nước để sửa chữa những thất bại thị trường đó. Như vậy, sự can thiệp của Nhà nước bao hàm trong đó hai vai trò: một là vai trò xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN và đấy là vai trò của “bà đỡ”; hai là vai trò của trọng tài trong việc giữ cho các luật chơi được tuân thủ để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của thị trường.

Chuyên đề