Mỹ dời thời gian xem xét quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam đến ngày 2/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 24/7/2024, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, quyết định có nâng cấp Việt Nam lên nền kinh tế thị trường hay không sẽ được đưa ra vào ngày 2/8 tới, thay vì vào ngày 26/7.
Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường Mỹ
Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường Mỹ

Theo Reuters, "do tình trạng gián đoạn liên tục đối với Bộ Thương mại Mỹ, các nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin", thời hạn đưa ra quyết định cuối cùng sẽ được gia hạn "tổng cộng 6 ngày".

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, "một số ít" hồ sơ đã bị gián đoạn do sự cố gần đây liên quan tới công ty an ninh mạng CrowdStrike, làm sập hệ thống máy tính trên toàn thế giới. Hay nói một cách rõ hơn, lý do gián đoạn là do lỗi phần mềm CrowdStrike.

Trước thời điểm Mỹ công bố quyết định chính thức, các ý kiến bình luận, phản biện lên Bộ Thương mại Mỹ đang khá trung lập.

Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường Mỹ.

Trong trường hợp Việt Nam không được công nhận là nền kinh tế thị trường thì bất lợi vẫn còn nhiều, do thuế chống bán phá giá luôn được Mỹ áp dụng ở mức trên dưới 40%.

Hiện tại, trong 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam có Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Vì vậy, quyết định công nhận từ Mỹ sẽ thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) có động thái tương tự đối với Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần trong vụ việc rà soát vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam.

Phiên điều trần được tổ chức trên cơ sở đề nghị của các bên liên quan và đây cũng là yêu cầu trong quy trình điều tra rà soát của Bộ Thương mại Mỹ.

Những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và được cụ thể hóa sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Theo các chuyên gia kinh tế, các điều kiện như: môi trường kinh doanh; những vấn đề can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước; phân phối nguồn lực và tình trạng sở hữu; các chuẩn mực kế toán, tài chính, tiền tệ, hối đoái, kế toán; bảo hộ đầu tư…, hầu như thỏa mãn tất cả các điều kiện của Mỹ đặt ra.

"Với những thông tin, dữ liệu mà phía Việt Nam đã cung cấp, Bộ Thương mại Mỹ đã có đủ căn cứ để có thể đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường", ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư