Cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 26/7 tới, quyết định của Mỹ về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ được công bố. Nếu được công nhận, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) và người dân hai nước.
Nếu Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường, hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác. Ảnh: Lê Tiên
Nếu Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường, hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác. Ảnh: Lê Tiên

Quan hệ Việt Mỹ - chờ dấu ấn mới

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là DN xuất khẩu (XK) từ Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng XK của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, hàng hóa XK từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu (NK) trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định, sự kỳ vọng này là thỏa đáng, bởi hiện tại trong 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam có Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Nghĩa là, quyết định công nhận từ Mỹ sẽ thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) có động thái tương tự đối với Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Mỹ là thị trường XK quan trọng, chiếm 25% tổng kim ngạch XK của Việt Nam, là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất. Việc công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ có lợi cho cả hai bên. Hàng hóa của Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do Mỹ điều tra. Các DN FDI của Mỹ tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi được đối xử công bằng khi XK sang Mỹ. Thêm vào đó, việc được đối xử bình đẳng sẽ làm tăng tính cạnh tranh của hàng Việt, từ đó người dân Mỹ có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Ông Hưng tin tưởng, với những thông tin, dữ liệu mà phía Việt Nam đã cung cấp, Bộ Thương mại Mỹ đã có đủ căn cứ để có thể đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ mang đến những tác động như thế nào?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động trước mắt và lâu dài đều rất tích cực. Thực tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia XK có vị thế quan trọng trên thế giới, khi XK chiếm 82% GDP năm 2023, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Trong đó, Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, nhất là đối với một số mặt hàng XK chủ lực như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo ông Hậu, những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và được cụ thể hóa sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Huy Nam cho rằng, trong thời gian qua, cả Mỹ và Việt Nam đều rất nỗ lực trong việc nâng tầm quan hệ lên một bước trong cả lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Đặc biệt, về phía Việt Nam, những gì đã làm nhằm đáp ứng những yêu cầu của Mỹ đối với một nền kinh tế thị trường đến nay cơ bản đã đầy đủ. Trong đó, các điều kiện như: môi trường kinh doanh; những vấn đề can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước; phân phối nguồn lực và tình trạng sở hữu; các chuẩn mực kế toán, tài chính, tiền tệ, hối đoái, kế toán; bảo hộ đầu tư…, hầu như thỏa mãn tất cả các điều kiện của Mỹ đặt ra. “Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường thì XK hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ sẽ rất thuận lợi. Đặc biệt, vấn đề lưu chuyển tiền tệ, đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ diễn ra thông suốt. Trong đó, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và cơ hội nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ rõ ràng hơn. Từ đó, các tổ chức nước ngoài sẽ có một cái nhìn khác về thị trường tài chính Việt Nam”, chuyên gia Huy Nam đánh giá.

Chuyên gia Nguyễn Phạm Hữu Hậu cho biết, năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ từng từ chối đề xuất từ phía Trung Quốc, nên vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức pháp lý tiềm ẩn.

Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhất là đối với một số mặt hàng xuất khẩu như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép... Ảnh: Lê Tiên

Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhất là đối với một số mặt hàng xuất khẩu như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép... Ảnh: Lê Tiên

Rộng đường xuất khẩu hàng sang Mỹ

Theo ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, trước thời điểm Mỹ công bố quyết định chính thức vào ngày 26/7/2024, các ý kiến bình luận, phản biện lên Bộ Thương mại Mỹ đang khá trung lập. Trong trường hợp Việt Nam không được công nhận là nền kinh tế thị trường thì bất lợi vẫn còn đó do thuế chống bán phá giá luôn ở mức trên dưới 40%.

Trường hợp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều dự báo cho rằng, các DN Việt, nhất là các DN XK sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường Mỹ.

Trong ngành thủy sản, Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) đã xác lập được thị trường XK chủ yếu vào Mỹ, EU và Trung Quốc. 5 tháng đầu năm 2024, VHC ghi nhận doanh thu đạt 5.033 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VHC sẽ tiếp tục được hưởng lợi do những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ. Đặc biệt, việc Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga đang mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này. BVSC dự báo doanh thu năm 2024 của VHC đạt 11.918 tỷ đồng, tăng 19% và lãi ròng đạt 1.189 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2023.

Trong quý I/2024, xuất khẩu ngành dệt may sang Mỹ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và với những diễn biến thuận lợi, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay nhiều khả năng sẽ đạt được. Theo chia sẻ từ đại diện Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG, DN có 80% doanh thu đến từ thị trường Mỹ và EU, lượng đơn hàng FOB từ các khách hàng truyền thống như Decathlon, Asmara, TCP hay Columbia đang hồi phục mạnh. Công ty Chứng khoán DSC ước tính, TNG sẽ tăng trưởng cao trong năm 2024 nhờ vào lượng đơn hàng dồi dào cho đến cuối năm, một phần trong đó đến từ thị trường Mỹ, với dự kiến doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt mức 7.858 tỷ đồng (tăng 11%) và 303 tỷ đồng (tăng 38%) so với cùng kỳ.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty CP Kinh Bắc cho biết, ông đang ở New York, gặp gỡ nhiều nhà đầu tư lớn và “ai cũng nói đến Việt Nam”. Lý do nhà đầu tư quốc tế hướng đến Việt Nam là vì chúng ta đang là quốc gia bình an bậc nhất trên thế giới. Cũng theo ông Tâm, hàng hóa vào được đất Mỹ phải vượt qua rất nhiều rào cản, nhưng với Việt Nam, cánh cửa mở ra đang ngày càng lớn, kể từ khi 2 quốc gia chính thức nâng tầm quan hệ lên mức cao nhất. Cùng với tín hiệu tích cực từ nước Mỹ, việc Việt Nam ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới đã “mở rộng con đường” cho DN phát triển, vấn đề là DN cần tự tin, mạnh dạn, mở rộng đầu tư, biến cơ hội thành giá trị.

Chuyên đề