Lãi suất ngân hàng có thể tăng trong nửa cuối năm 2017. Ảnh: Lê Tiên |
Câu hỏi đặt ra là việc tăng tín dụng sẽ tác động như thế nào đến lãi suất và lạm phát trong nửa cuối năm 2017?
Dòng tiền chảy về đâu?
Việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn hẳn so với tăng trưởng GDP và tăng trưởng vốn huy động khiến không ít ý kiến lo ngại dòng tín dụng này chảy vào lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng thấp từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán… hoặc được sử dụng trong hoạt động đảo nợ, cho vay các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng cuối cùng.
Bình luận về ý kiến cho rằng dòng tín dụng được đổ mạnh vào hoạt động kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, muốn khẳng định điều này phải có số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Tuy nhiên, ông Hiếu đưa ra nhận định, hiện đang có khá nhiều ngân hàng cho vay bất động sản.
Theo báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2016 là 3.126 doanh nghiệp, tăng 83,9%. Đồng thời, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng bất động sản có mức tăng trưởng 6,35%, trong khi cùng kỳ năm 2016 mức tăng trưởng này chỉ là 5%.
Thị trường chứng khoán cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về chỉ số và giá trị giao dịch. Nếu như năm 2016, khối lượng giao dịch bình quân chưa tới 3.000 tỷ đồng mỗi phiên, hiếm hoi lắm mới có những phiên giao dịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, thì chỉ trong nửa đầu năm 2017, những phiên giao dịch với giá trị 5.000 - 5.500 tỷ đồng trở thành "chuyện thường ngày" với nhà đầu tư. Cá biệt có những phiên giao dịch đạt kỷ lục hơn 7.500 tỷ đồng.
Cần nắn dòng tín dụng vào sản xuất
Theo TS. Ngô Trí Long, có 3 yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm: khai thác tài nguyên, doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung tiền (chủ yếu là tăng tín dụng). Trong 3 yếu tố này, nếu tăng tín dụng một cách không hợp lý, quá liều lượng thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, năm nay Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, vấn đề đặt ra là phải xem chất lượng điểm đến dòng tín dụng này. Trong 6 tháng đầu năm, lạm phát là 4,15% thì khả năng kiềm chế là có thể được. Ngoài ra, mục tiêu không phải tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng phải tính đến hiệu quả để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,4%, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm 2017 sẽ cao hơn nữa. Nếu huy động vốn tiếp tục tăng trưởng thấp hơn tín dụng, sẽ tạo ra vấn đề về thanh khoản. Khi thanh khoản thấp sẽ làm cho lãi suất tăng lên. Mặt khác, có thể dẫn đến một số rủi ro như rủi ro kỳ hạn cho các ngân hàng.
Việc tín dụng tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2017 cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Ngoài ra, nếu các ngân hàng không kiểm soát tốt các khoản tín dụng này sẽ tạo ra nợ xấu. Ông Hiếu cũng khuyến nghị, trong chu kỳ sắp tới nên siết chặt lại tín dụng vì tín dụng đẩy ra nhiều quá sẽ gây tác hại cho nền kinh tế.
Như vậy, việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng và hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất thay vì chảy vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán… là cần thiết. Theo một số chuyên gia, kiểm soát tốt dòng chảy tín dụng sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định thành công trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2017. Thực hiện được mục tiêu này sẽ đảm bảo được các cân đối vĩ mô như nợ công, đầu tư, ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập… Đồng thời là cơ sở tạo đà tăng trưởng bền vững cho các năm tiếp theo.