Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm |
Tốc độ tăng năng suất cao
Theo Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 - 2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Tính chung giai đoạn 2011 - 2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.
NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm, tăng NSLĐ đạt 4,35%/năm thì trong 3 năm 2016 - 2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng NSLĐ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm, nên GDP tăng trưởng bình quân 6,7%/năm.
NSLĐ của Việt Nam có sự khác biệt nhất định giữa các ngành kinh tế. Thống kê cho thấy, NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ lớn hơn nhiều lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy nhiên, khoảng cách này ngày càng được thu hẹp. Số liệu thống kê cũng chỉ rõ, các ngành công nghiệp và dịch vụ chưa được như kỳ vọng là những ngành kinh tế chủ chốt, động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
NSLĐ của Việt Nam hiện thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết một số nguyên nhân như: quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế...
Trông chờ vào năng suất lao động của doanh nghiệp
Số liệu thống kê NSLĐ của khu vực doanh nghiệp cho thấy, NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức NSLĐ chung của cả nước.
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần mức NSLĐ chung của cả nước nhờ đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, NSLĐ của doanh nghiệp nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. NSLĐ doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần mức NSLĐ chung của cả nước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần mức NSLĐ chung của cả nước.
So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt thấp nhất và khoảng cách đang ngày càng nới rộng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp ngoài Nhà nước phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt, không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, NSLĐ khu vực doanh nghiệp là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Hiện nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách so với các nước trong khu vực. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.