Khu công nghiệp Tân Kiều: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Đồng Tháp là tỉnh nằm trong không gian đô thị công nghiệp trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay, Đồng Tháp chỉ có 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 256 ha. Việc đầu tư KCN Tân Kiều và biến nơi đây thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn là rất cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển chung của Tỉnh.

Khu công nghiệp Tân Kiều có hệ thống giao thông rất thuận lợi, kết nối trực tiếp với tuyến đường huyết mạch để đi đến các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM
Khu công nghiệp Tân Kiều có hệ thống giao thông rất thuận lợi, kết nối trực tiếp với tuyến đường huyết mạch để đi đến các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM

Vị trí đắc địa, kết nối giao thông thuận lợi

Tỉnh Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện. Trong đó, toàn Tỉnh được phân chia thành 143 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 thị trấn, 17 phường và 117 xã. KCN Tân Kiều được triển khai trên tổng diện tích 148,71 ha, thuộc địa giới hành chính 2 xã Tân Kiều và Mỹ An, thuộc huyện Tháp Mười. Dự án có ranh giới phía Đông giáp đất dân dọc theo kênh Nhì, phía Tây giáp đất dân dọc theo kênh Cô Hai, phía Bắc giáp Quốc lộ N2, phía Nam giáp Đường tỉnh 846, kênh Nguyễn Văn Tiếp; cách thị trấn Mỹ An 4km, cách sông Tiền 30km và cách TP.HCM chỉ 80km.

Thế mạnh đầu tiên của KCN Tân Kiều phải nói đến chính là hệ thống giao thông rất thuận lợi, kết nối trực tiếp với tuyến Quốc lộ N2 (lộ giới 86m), từ đây về hướng Đông Bắc sẽ gặp đường Hồ Chí Minh để đến Long An và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuyến Quốc lộ N2 về hướng Tây sẽ gặp Đường tỉnh 845 đi An Long; Tân Hồng; Long An. Phía Nam Dự án tiếp giáp Đường tỉnh 846 (lộ giới 42m), từ đây về hướng Đông sẽ đến Cai Lậy (Tiền Giang) và đi huyện Cao Lãnh ở hướng Tây.

Đặc biệt, về giao thông thủy, tiếp cận phía Nam KCN Tân Kiều là kênh Nguyễn Văn Tiếp rộng trung bình 50m. Từ đây, nguyên liệu - vật tư ở các nơi cung cấp cho KCN Tân Kiều cũng như hàng hóa xuất bằng đường thủy sẽ thông qua kênh Nguyễn Văn Tiếp. Ngoài ra, xung quanh khu vực Dự án là nhiều tuyến kênh, rạch chạy qua tạo nên hệ thống thủy văn khép kín như kênh Nhất, kênh Nhì, kênh Cô Hai, Kênh 5000, Kênh 9000, kênh Tư Mới, kênh Ranh, kênh Giữa, kênh Bảy Thước, kênh Cả Bắc…

Căn cứ Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 29/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hạ tầng KCN Tân Kiều thì dự án này được tách thành 2 dự án thành phần. Theo đó, Dự án thành phần 1 sử dụng phần vốn ngân sách nhà nước gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương, do Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay, huy động khác của Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp, do Công ty làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tư sử dụng đất quy hoạch KCN để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cho các nhà đầu tư thuê, thuê lại để xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Dự kiến đầu năm 2021, KCN Tân Kiều sẽ có mặt bằng tiếp nhận doanh nghiệp đầu tư ở các khu vực tiếp giáp Quốc lộ N2 và Đường tỉnh 846

Dự kiến đầu năm 2021, KCN Tân Kiều sẽ có mặt bằng tiếp nhận doanh nghiệp đầu tư ở các khu vực tiếp giáp Quốc lộ N2 và Đường tỉnh 846

Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại

Ông Nguyễn Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho biết, mục tiêu của Dự án là tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp khác đầu tư dự án trong KCN, trong đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều lao động, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của địa phương.

Căn cứ quyết định quy hoạch KCN Tân Kiều thì ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN gồm: công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; phân bón thực vật; công nghiệp thực phẩm; chế biến nông sản, thủy sản; may mặc; điện tử; hương liệu, dược liệu; lâm sản mỹ nghệ; bao bì; thức ăn chăn nuôi. Tất cả phải đáp ứng các yêu cầu về cảnh quan môi trường thông thoáng, giao thông thuận lợi, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Các ngành nghề kêu gọi đầu tư vào KCN Tân Kiều phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh Đồng Tháp và quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phước Cường, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp, KCN Tân Kiều được quy hoạch đa ngành nghề. Do đó, đặc tính nước thải của KCN này phức tạp và biến động thất thường. Vì vậy, yêu cầu công nghệ lựa chọn thiết kế cho nhà máy xử lý nước thải tập trung sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn xả nước thải QCVN 40: 2011/BTNMT- Cột A (hệ số kq=0.9, kf=1). Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải phải đáp ứng được những biến động khi có sự cố về chất lượng và lưu lượng nước thải từ các nhà máy trong KCN. Mặt khác, thiết kế phải đảm bảo sự vận hành tốt, tiết kiệm chi phí vận hành khi chưa đủ công suất thiết kế, dễ dàng trong việc mở rộng công suất khi các nhà máy đã điền đầy vào KCN.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện hạng mục san lấp mặt bằng KCN Tân Kiều cơ bản đạt 15% tổng khối lượng san lấp mặt bằng. Dự kiến đầu năm 2021, KCN Tân Kiều sẽ có mặt bằng tiếp nhận doanh nghiệp đầu tư ở các khu vực tiếp giáp Quốc lộ N2 và Đường tỉnh 846, tương đương tỷ lệ khoảng 15 - 20% đất công nghiệp cho thuê của KCN. Là một KCN được định vị hiện đại và khang trang, KCN Tân Kiều chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở Đồng Tháp; tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương; và sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư khi đến ĐBSCL.

Chuyên đề