“Giấy phép con” làm tăng gánh nặng chi phí, làm mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận cơ hội kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang |
Gánh nặng chi phí làm “hỏng” DN
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư mới, điều kiện kinh doanh chỉ được coi là phù hợp khi liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Khoản 3, Điều 74 Luật Đầu tư 2014 quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016”.
Ông Cung cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Có hàng ngàn điều kiện kinh doanh –“giấy phép con” được ban hành, nếu không được giải quyết sẽ là rào cản đối với sự phát triển DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ”. Số liệu thống kê sơ bộ của CIEM trong năm 2015 cho thấy: “Tập hợp về các quy định điều kiện kinh doanh lên tới gần 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và cơ quan có thẩm quyền xác lập điều kiện kinh doanh”. Con số này không dừng lại ở đó, mới đây, trước thềm Hội nghị gặp gỡ giữa Thủ tướng và DN năm 2016, đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện có 7.000 giấy phép con đang “hành” DN, một nửa trong số đó không còn căn cứ pháp lý để tồn tại”.
Nói về hệ quả của “giấy phép con”, ông Cung cho rằng: “Giấy phép con” sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho DN trong quá trình gia nhập thị trường; làm mất bình đẳng giữa các DN trong tiếp cận cơ hội kinh doanh; không khuyến khích, thậm chí làm thui chột sáng tạo, loại bỏ những cách làm khác, cách làm mới của DN”.
Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng, “bóp ngẹt” hiệu quả thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới; làm hàng ngàn DN phải tiếp tục phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc giải thể trong thời gian qua cũng như những tháng đầu năm 2016?
Quyết liệt hướng dẫn thực thi
Thủ tướng lưu ý: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo quyết liệt việc tập hợp, rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh đang quy định tại các thông tư, quyết định của Bộ trưởng theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT tại Công văn số 3478/BKHĐT-PC ngày 9/5/2016 để tổng hợp, xây dựng các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Các Bộ gửi kết quả rà soát đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trước ngày 21/5/2016, trong đó xác định rõ số lượng các thông tư, quyết định của Bộ trưởng có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, số lượng và tên các nghị định; đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các nghị định này, trình Chính phủ trước 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn” – Công văn nhấn mạnh.
Đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, nhưng chưa ban hành nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo, các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo rút ngắn thời gian thẩm định, có văn bản thẩm định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo nghị định. “Hết thời hạn nêu trên, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa ký trình Chính phủ các nghị định trong phạm vi quản lý sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” – Thủ tướng quyết liệt.