Thủ tướng chỉ đạo “chặn” giấy phép con hoành hành: Tiếp tục cuộc chiến cân não

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thực hiện nghiêm thời hạn đối với việc rà soát, ban hành lại đúng thẩm quyền các điều kiện kinh doanh theo quy trình rút gọn. Áp lực công việc đang đè nặng lên các bộ, ngành.
Dịch vụ bảo đảm hàng hải tới nay vẫn chưa có điều kiện kinh doanh cụ thể. Ảnh: Đức Thanh
Dịch vụ bảo đảm hàng hải tới nay vẫn chưa có điều kiện kinh doanh cụ thể. Ảnh: Đức Thanh

Lo ngại các đợt nâng cơ học

Trái với những kiến nghị kéo dài thời hiệu của khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh do nhiều bộ, ngành không kịp tiến độ rà soát, ban hành lại cho đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đúng ngày 1/7/2016 tới, các điều kiện kinh doanh được ban hành trong các thông tư, quyết định của các bộ, ngành sẽ hết hiệu lực.

“Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng nêu rõ với các bộ trưởng trong cuộc họp.

Một cuộc chạy đua nước rút để cán đích đúng lịch chính thức bắt đầu. Bởi, ngay trong Báo cáo của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư về tình hình thực hiện hai luật này gửi cuộc họp Thường trực Chính phủ, khả năng không kịp hoàn tất việc soạn thảo các nghị định có liên quan về điều kiện kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực đã được nhắc tới. Thậm chí, phương án vốn không nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên Tổ công tác đã buộc được đề xuất. Đó là, nếu không kịp ban hành các nghị định trước ngày 1/7/2016, Chính phủ sẽ ra nghị quyết cho phép áp dụng các quy định cần thiết, tương ứng tại các thông tư, quyết định đã được các bộ tập hợp. Hạn mới được đề xuất là ngày 31/12/2016.

Như vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tuy giải tỏa lo ngại của các thành viên Tổ công tác về sự vi phạm tính nghiêm minh của pháp luật của phương án cho gia hạn trên, song, nỗi lo lớn vẫn còn. Đó là chất lượng của các văn bản này khi mà chỉ còn 2 tháng là đến thời hạn ngày 1/7/2016.

Cũng phải nói thêm, đây là nội dung được chú trọng nhất trong các cuộc làm việc của Tổ công tác và nhóm thư ký không chỉ trong năm nay, nhưng cũng là phần việc có ít kết quả nhất.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người có mặt trong hầu hết các cuộc làm việc giữa Tổ công tác và các bộ, ngành về rà soát điều kiện kinh doanh vừa qua, buộc phải thừa nhận rằng, chưa thấy có chuyển biến về cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh.

“Công việc các bộ, ngành chủ yếu là tập hợp các thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh và các quy định tương ứng, chứ chưa phân tích đánh giá tính cần thiết, tính phù hợp, tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định trong quản lý nhà nước. Chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về nội hàm của điều kiện kinh doanh, vẫn nhầm lẫn giữa điều kiện kinh doanh và quy trình, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Đặc biệt, chưa thấy các đề xuất đổi mới, chuyển sang cách quản lý khác thay thế...”, bà Thảo phân tích.

Thậm chí, ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), thành viên nhóm thư ký của Tổ công tác đã thẳng thắn gọi tên cách làm này là “nâng cơ học” điều kiện kinh doanh. “Doanh nghiệp không cần các điều kiện kinh doanh được nâng từ thông tư lên nghị định. Họ cần sự xem xét cẩn trọng về tính hợp lý, cần thiết và cả khả năng thay thế bằng các hình thức quản lý khác, chứ không phải cứ máy móc đưa lên nghị định là xong trách nhiệm”, ông Huệ thẳng thắn.

Cuộc chiến cân não

Cũng phải nhắc tới danh mục các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền đã được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp thống kê để trình Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp này. Trong số này, tên các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Y tế, Công thương… được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Các thông tư này được ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, 1/7/2015.

Tạm chưa bàn tới các nội dung của các điều kiện này, mà rất nhiều chuyên gia Tổ công tác cho rằng “không đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư”, thực trạng không nhận thức đúng quy định về thẩm quyền trong việc ban hành điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư thực sự đáng lo ngại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Tổ trưởng Nhóm thư ký của Tổ công tác đã rất thận trọng khi nhắc tới vấn đề này.

Lý do bởi nhiều bộ vẫn cho rằng, họ có quyền ban hành điều kiện kinh doanh, nên vẫn có một loạt thông tư ra đời. Hơn thế, tình hình đang khá rối rắm khi một số luật, cả luật mới có hiệu lực sau ngày 1/7/2015, có quy định giao trực tiếp cho các Bộ trưởng có liên quan ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Rồi có cả nghị định ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với cả ngành, nghề không được quy định tại Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó, vẫn còn tới 15 trong số 16 ngành trong danh mục 267 ngành nghề có điều kiện chưa được các bộ, ngành ban hành điều kiện, nghĩa là chỉ có vỏ chứ chưa có ruột. Đây là danh mục được thực hiện theo đề xuất của các bộ, ngành, vậy nhưng khi cần hoàn tất các quy định thì các bộ không làm.

“Chúng tôi cũng đã tự hỏi, các ngành này có thực sự cần điều kiện không, vì cho đến giờ nó vẫn tồn tại không điều kiện mà không thấy bộ, ngành nào có ý kiến là không quản lý được”, ông Cung nói và cho rằng, các bộ, ngành nếu xét thấy ngành nghề nào không cần thiết phải có điều kiện kinh doanh thì nên tập hợp để loại ra.

Rõ ràng, khoảng thời gian hai tháng tới đây sẽ là cuộc cân não căng thẳng giữa tư duy cũ và mới về điều kiện đầu tư -  kinh doanh trong các bộ, ngành.

Chuyên đề