Nghề dược không phải một chức vụ có thời hạn nên nếu quy định cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần chỉ e phát sinh thêm thủ tục hành chính, tiêu cực. Ảnh: Tiên Giang |
Thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt lắm
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của Dự án Luật Dược (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) Trương Thị Mai cho hay, có nhiều ý kiến nhất trí với Dự thảo là cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 5 năm/lần. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định cấp một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn, tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ. Bà Trương Thị Mai thông tin: “Việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ quan điểm, nghề dược là một ngành nghề chứ không phải một chức vụ có thời hạn, nên nếu quy định cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần chỉ e là phát sinh thêm thủ tục hành chính, và như vậy sẽ phát sinh tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực phát sinh từ thủ tục hành chính đã nhiều, nếu không cắt bớt mà để phát sinh tiêu cực là không nên.
Dựa trên quan điểm việc cấp phép chứng chỉ hành nghề phải thực hiện chặt chẽ nhưng không được gây phiền hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm: “Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm. Có tiền là cấp, không có tiền là không cấp. Phải đơn giản tối đa thủ tục hành chính”. Luật Dược khi ban hành “hoan nghênh những người hành nghề thuốc, có gì đâu mà cấm, chỉ cấm làm thuốc giả thôi”. Ngoài ra, phải kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn hiện tượng cho mượn bằng cấp, nếu không đủ điều kiện là phải rút giấy phép ngay.
Nhất trí với nhiều ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận và đề nghị, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới hai phương án liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề là: cấp một lần kèm theo hậu kiểm và cấp 5 năm/lần, trong đó phải đặc biệt quan tâm "giảm bớt thủ tục nhiêu khê khi cấp phép, không để người dân phàn nàn".
Tăng sức cạnh tranh của ngành dược
Tại Phiên họp, đa số các Ủy viên UBTVQH đều đánh giá Báo cáo lần này đã tiếp thu, giải trình rõ và hoàn chỉnh được nhiều vấn đề đã nêu ra tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Và Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã hoàn thiện khá kỹ, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.
Tuy nhiên về vấn đề phát triển công nghiệp dược, có ý kiến đề nghị phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn và ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Vấn đề này, Thường trực UBTVQH thấy rằng, việc định hướng phát triển toàn bộ ngành công nghiệp dược ở Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn là định hướng lâu dài, trong giai đoạn tới, Dự thảo Luật quy định tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, đây là những thế mạnh vốn có của Việt Nam.
Song, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), cả Chương II (với 4 điều 7, 8 , 9, 10) đều đề cập đến chính sách về dược và phát triển công nghiệp dược là quá rộng; vì “nghề dược có tính chất đặc thù, trong khi các chính sách về phát triển công nghiệp có thể thường xuyên biến động trong 1, 2 năm, có thể nhiều hơn thì theo điều tiết của Chính phủ. Như vậy, chính sách phát triển công nghiệp phải nằm trong một cái chung như thế và đã có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chi phối rồi, do đó nếu đưa hẳn phần chính sách phát triển công nghiệp dược vào Luật như thế này thì chưa phù hợp lắm”.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu những ý kiến về chính sách phát triển công nghiệp dược và có những giải trình để tăng sức thuyết phục khi trình ra Quốc hội.