Khơi thông tiềm lực, tạo sức bật mới từ chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xây dựng thể chế và nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm.
Các chính sách ưu đãi trong mua sắm công, đấu thầu góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm. Ảnh: Lê Tiên
Các chính sách ưu đãi trong mua sắm công, đấu thầu góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm. Ảnh: Lê Tiên

Trong năm 2023 và 2024, nhiều đạo luật lớn đã được sửa đổi như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… Những nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý này được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), tạo động lực phát triển, mở rộng cơ hội và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

Những vấn đề nóng, những khó khăn từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN tác động như thế nào đến sự thay đổi chính sách, thưa ông?

Luật được thông qua là để giải quyết những vấn đề bất cập, đáp ứng các đòi hỏi từ thực tiễn. Chẳng hạn, tồn tại, bất cập của pháp luật về đất đai kéo dài trong nhiều năm qua như thủ tục về đất đai phức tạp, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc là những vấn đề DN gặp phải khiến rất nhiều dự án bị kéo dài thời gian thực hiện, thậm chí đình trệ, nhiều DN khóc dở mếu dở…

Luật Đất đai phức tạp và ảnh hưởng tới nhiều đối tượng khác nhau. Do đó, mỗi nội dung đều được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở cân bằng nhiều lợi ích. Mỗi thay đổi trong Luật sẽ tác động tới nhiều chủ thể trong xã hội và liên quan đến nhiều quy định ràng buộc tại văn bản pháp luật khác nhau. Có thể quy định này có lợi cho DN nhưng chưa hẳn đã mang lại lợi ích chung cho quốc gia, an ninh xã hội, hay tiềm ẩn những xung đột nảy sinh. Thực tế, quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013 đã chứng kiến rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực đất đai… Đó là lý do vì sao việc thảo luận và thông qua Luật Đất đai 2024 trải qua tới 4 kỳ họp Quốc hội, 8 kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây có lẽ cũng là một dấu mốc trong lịch sử lập pháp.

Lĩnh vực đấu thầu cũng vậy. Những vấn đề nóng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế do vướng mắc về lập giá kế hoạch, lấy báo giá, hàng hóa trúng thầu giá rẻ chất lượng thấp, khoảng trống pháp lý của mô hình “máy đặt, máy mượn”… cũng như liên tiếp xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hoàn thiện thể chế. Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024, với nhiều thay đổi quan trọng so với Luật năm 2013, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cộng đồng DN và nền kinh tế.

Trong đó, Luật đã dành riêng một chương để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm khơi thông hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực này. Quy trình thủ tục đấu thầu được cải cách và đơn giản hóa hơn nhiều so với trước nhằm tăng tính chủ động của các chủ thể như: mua sắm thuốc, thiết bị y tế ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả; mua sắm tập trung với thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép mua sắm theo nhóm nước xuất xứ, vùng lãnh thổ để mua thiết bị có chất lượng tốt phù hợp với khả năng tài chính; chỉ định thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch hay cấp cứu…

Ông đánh giá như thế nào về tác động của hành lang pháp lý mới đến hoạt động của DN?

Để đánh giá tác động thực tế của một đạo luật thì cần phải có nhiều thời gian. Nhưng dưới góc nhìn của tôi, giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện luật cũ là đã có tác động hết sức tích cực.

Chẳng hạn, về thủ tục đất đai, trước đây, do chồng chéo, xung đột giữa các luật, việc hoàn thành thủ tục cho một dự án điển hình có sử dụng đất ở đô thị từ 2 - 3 năm đã là rất nhanh. Rất nhiều dự án phải mất hơn 10 năm để hoàn thành thủ tục. Khi thủ tục phức tạp, thời gian dài thì sẽ tạo ra chi phí lớn, điều này nằm cả vào giá thành và người mua nhà, người tiêu dùng phải chịu. Với DN, thủ tục hành chính đỡ chồng chéo, phân cấp mạnh mẽ, minh bạch hơn thì thuận lợi hơn nhiều. Bộ máy cơ quan thực hiện cũng sẽ mạnh dạn và yên tâm hơn, không ngần ngại và sợ sai như trước…

Chính vì vậy, một điểm tích cực tôi nhìn thấy trong quá trình xây dựng và thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…, trước nữa là Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng… là đã tháo gỡ được sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật, xử lý được sự xung đột. Đặc biệt, tinh thần của Luật Đất đai 2024 là đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, cấp tỉnh được chủ động trong việc ban hành bảng giá đất; trao quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; trao quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể trong trường hợp giao đất, cho thuê đất…

Với Luật Đấu thầu, cộng đồng DN đánh giá cao các chính sách hướng đến môi trường minh bạch, công bằng trong đấu thầu. Việc tổ chức đấu thầu mua sắm công hiệu quả, tuân thủ đúng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch sẽ góp phần rất lớn tạo ra động lực cho sự phát triển của DN và nền kinh tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một trong những giải pháp của Luật Đấu thầu 2023 được cộng đồng DN cho là hiệu quả nhất, đó là đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, liên thông dữ liệu với các hệ thống thuế, báo cáo tài chính. Việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong hoạt động đấu thầu sẽ giúp tiết giảm thời gian, chi phí cho DN, hạn chế tình trạng chi trả “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu, vốn là vấn đề gây nhức nhối thời gian qua. Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn và cần cạnh tranh thu hút vốn, nếu chi phí kinh doanh quá cao thì dòng vốn sẽ không chảy vào nước ta.

Cùng với đó, những chính sách ưu đãi trong mua sắm công, đấu thầu cũng sẽ góp phần thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, nâng cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hướng đến phát triển bền vững...

Hành lang pháp lý đang từng bước được hoàn thiện, theo ông, cần làm gì để nâng cao hiệu quả thực thi, tiếp thêm động lực cho DN nắm bắt cơ hội và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh?

Chất lượng pháp luật rất quan trọng, nhưng đi kèm với đó phải đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật. Những quy định có ưu việt và tiến bộ đến mấy mà không có văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời và sát thực tiễn thì cũng không thể đi vào cuộc sống. Do đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương rất cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

So với các đạo luật mới được ban hành, Luật Đất đai 2024 được xác định là luật khó, phức tạp, cần nhiều văn bản hướng dẫn. Theo kế hoạch, để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, cần có tới 15 nghị định, thông tư. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 nghị định. Dự kiến sẽ ban hành 6 thông tư và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều đặc biệt quan trọng là các nghị định, thông tư hướng dẫn này phải đúng với tinh thần của Luật Đất đai 2024, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật với các văn bản hướng dẫn.

Hiện tại, Chính phủ mong muốn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn sẽ có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 1/7/2024 thay vì từ ngày 1/1/2025. Hiện nay, tiến độ soạn thảo các văn bản hướng dẫn đang được Chính phủ chỉ đạo rất nhanh, rất khẩn trương.

Nếu các văn bản này có hiệu lực sớm thì các chế định tích cực, tiến bộ của các luật này có cơ hội đi vào cuộc sống nhanh hơn, chắc chắn sẽ có tác động rất tích cực tới nền kinh tế, tới DN. Để các đạo luật này được thực hiện tốt thì việc chuẩn bị kỹ lưỡng quá trình thi hành luật, đảm bảo chất lượng các văn bản hướng dẫn là yêu cầu rất quan trọng. Không thể vì thời gian mà hy sinh chất lượng. Đây là một áp lực không nhỏ với Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn luật.

Chuyên đề