Khơi thông các động lực “mềm” hỗ trợ tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đi qua hơn nửa năm 2023, nhiều khó khăn, thách thức vẫn bao trùm lên hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, ADB, UOB mới đây dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 sẽ thấp hơn kế hoạch (6,5%). Bên cạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, nhiều ý kiến đề xuất khơi thông các động lực tăng trưởng mềm như kinh tế số, kinh tế xanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trụ lại và phát triển.
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Kinh tế 7 tháng in hằn khó khăn

Theo Bộ Công Thương, cầu thế giới sụt giảm khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giầy, đồ gỗ… cũng giảm sút do thiếu đơn hàng. “Trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch XK dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1%; tổng kim ngạch XK giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin.

Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 374 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, XK giảm 10,6% còn nhập khẩu giảm 17,1%. Mặc dù trong 7 tháng, nền kinh tế xuất siêu tới 15,23 tỷ USD nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần phân tích kỹ con số này, bởi nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm vì thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã đáng mừng.

Đối với đầu tư công, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, đến ngày 30/7/2023, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 263,67 tỷ đồng, đạt 37,85% so với kế hoạch năm 2023, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (34,47%) nhưng vẫn còn có 43 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có mức giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Không ít dự án vẫn gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay thiếu vật liệu…

Ở khu vực tư, 7 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,6%).

Về tiêu dùng trong nước, 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung tốc độ tăng đang chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%).

Trong khi đó, các “động lực tăng trưởng mềm” như cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh lại đang chuyển động chậm, chưa phát huy hiệu quả thực tế. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người dân, DN. Một số cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất một số quy định pháp luật... Chưa hết, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ vẫn tiếp diễn.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp là những giải pháp hiệu quả để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp là những giải pháp hiệu quả để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Kích hoạt các động lực “mềm”

Dự báo về tình hình thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Do đó, bên cạnh việc tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính là đầu tư, XK ròng và tiêu dùng, cần chú ý đến việc khơi thông các động lực “mềm” để tạo trợ lực cho tăng trưởng. “Việc đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DN một cách thực chất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây không chỉ là giải pháp mà có thể còn là liều thuốc tinh thần cho cộng đồng DN”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, điều đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như Công điện số 644/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; Nghị quyết số 105/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương… với những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn thực tế. Trong đó nhấn mạnh, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính mới liên quan đến hoạt động kinh doanh làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho DN, người dân.

“Các quyết sách trên nhằm giảm gánh nặng chi phí, qua đó giúp DN có thêm cơ hội cầm cự, tái cơ cấu và phục hồi khi có thời cơ. Nếu được thực thi sát sao sẽ thúc đẩy chính sách đi vào cuộc sống, tạo hiệu quả thực chất cho người dân, doanh nghiệp”, ông Hiếu chia sẻ.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là các động lực tăng trưởng mới, rất cần được khơi thông và thực chất áp dụng trong nền kinh tế. “Càng trong khó khăn, chúng ta càng cần thúc đẩy các hình thái kinh tế mới, đồng thời với việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để vừa hỗ trợ, vừa tạo động lực cho DN”, ông Doanh nói.

Đi qua 7 tháng đầu năm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 chỉ đạt 5,8%; World Bank dự báo đạt 6%, IMF dự báo đạt 4,7%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch (6,5%). Trong nước, Nhóm nghiên cứu kinh tế của BIDV dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2023 chỉ đạt 5-5,5%. TS. Cấn Văn Lực, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong giai đoạn 2023 - 2024, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhiều yếu tố. Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn ở trong vòng suy thoái kỹ thuật, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu. Thứ hai, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng. Thứ ba, giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm, nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính, tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn. Ba yếu tố này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Trong bối cảnh các yếu tố khách quan phức tạp và chưa thể xoay chuyển, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời với việc hoàn thiện thể chế, gỡ các rào cản từ thực tế để tăng trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên đề