Với đấu giá trực tuyến, người tham gia đấu giá dù ở đâu, chỉ cần có thiết bị di động thông minh kết nối Internet là có thể tham gia nhiều cuộc đấu giá cùng lúc. Ảnh: Mai Quân |
Sáng 18/5, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức họp báo công bố Quyết định số 112/QĐ-STP của Sở Tư pháp Hà Nội về việc phê duyệt tổ chức ĐGTS đủ điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT.
Bà Lê Việt Nga, Giám đốc điều hành Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia cho biết, hệ thống có 3 tác nhân chính là quản trị hệ thống, điều khiển đấu giá và người tham gia đấu giá. Hệ thống được xây dựng dựa trên Luật ĐGTS và các nghị định, thông tư hướng dẫn, hướng tới xây dựng trang thông tin điện tử ĐGTT như một phòng đấu giá online.
Tuy nhiên, việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT chỉ là bước đi đầu tiên. Theo ông Quản Văn Minh - Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia, Công ty còn phải thực hiện nhiều thủ tục (triển khai phần mềm, kết nối với hệ thống tài chính, ngân hàng, quảng bá, giới thiệu tới chủ tài sản và khách hàng tham gia đấu giá) để có thể đưa trang thông tin điện tử ĐGTT đi vào hoạt động chính thức.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, ĐGTT là một trong những hình thức đấu giá có nhiều ưu việt so với các hình thức đấu giá khác. Việc sớm phê duyệt tổ chức ĐGTS đủ điều kiện thực hiện ĐGTT là một trong những bước tiến mới của hoạt động ĐGTS. Ngoài Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia, trên địa bàn Hà Nội có 4 tổ chức ĐGTS khác cũng nộp đề án đề nghị cấp phép thực hiện ĐGTT, nên thời gian tới có thể sẽ có thêm các tổ chức ĐGTS đủ điều kiện thực hiện ĐGTT cũng như có thêm nhiều trang thông tin điện tử được cấp phép.
Về xu hướng ĐGTT trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, các tổ chức ĐGTS được cấp phép trước cần phải tích cực, sẵn sàng chia sẻ thông tin, chia sẻ hệ thống ĐGTT qua việc dùng chung hạ tầng phần mềm với nhiều tổ chức ĐGTS khác trên phạm vi toàn quốc. Việc này một mặt rút ngắn thời gian để hoạt động ĐGTS, đặc biệt là đấu giá tài sản nhà nước, tiến nhanh tới việc thực hiện ĐGTT, tăng tính minh bạch trong hoạt động đấu giá, mặt khác tránh gây ra sự lãng phí cho xã hội.
Trước những tiêu cực trong ĐGTS bộc lộ rõ qua vụ án Đường “Nhuệ”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu, Cục Bổ trợ tư pháp cần tham mưu các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển ĐGTT; nghiên cứu việc đưa những loại tài sản nào, ở những địa phương tồn tại nhiều tiêu cực trong ĐGTS thực hiện ĐGTT để khắc phục vướng mắc, bất cập trong hoạt động ĐGTS lâu nay.