Khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

(BĐT) - Để đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, những yếu tố như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nông, lâm, thủy sản… phải có tăng trưởng thực sự mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm. Song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những yếu tố này trong những tháng còn lại của năm lại khó có thể tăng cao.
6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng ở khu vực nông, lâm, thủy sản âm 0,18%. Ảnh: Lê Tiên
6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng ở khu vực nông, lâm, thủy sản âm 0,18%. Ảnh: Lê Tiên

Chiều hướng đảo ngược

TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng kinh tế của 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 đang có chiều hướng đảo ngược từ tăng trưởng cao, lạm phát thấp, tiêu dùng cao (6 tháng năm 2015) chuyển sang tăng trường giảm, lạm phát tăng và tiêu dùng giảm.

Năm 2015, bức tranh kinh tế của Việt Nam “khá sáng” với tăng trưởng GDP đạt 6,7%, CPI ở mức 0,63%; tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,9%, con số khá ấn tượng trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng trưởng xuất khẩu âm.

Bước qua 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng GDP dừng ở con số 5,52% (so với 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015); chỉ số công nghiệp, động lực chính của tăng trưởng chỉ tăng ở mức 7,4% (cùng kỳ năm 2015 có mức tăng lên tới 9,7%). Một động lực khác là xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng suy giảm, dừng ở mức 5,9% so với 9,3% của cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, nhưng việc tăng trưởng ở khu vực nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2016 ở mức âm (-0,18%) được TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét là một trong những yếu tố “góp phần” níu chân GDP.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một số chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm 2016 sẽ khó tăng trưởng cao để có thể “kéo” được tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2016 đạt mục tiêu kỳ vọng.

Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức 5,52%, TS. Lê Quốc Phương tính toán, trong 2 quý cuối năm, GDP phải đạt tốc độ trên 7,5% thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng chung đã được Quốc hội đề ra. Song, mục tiêu này được cho là “khó khả thi”.

Ông Phương lý giải, 2 động lực chính của tăng trưởng GDP là xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp rất khó có thể tăng cao trong 6 tháng cuối năm. Đơn cử, với mức tăng 5,9% trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu phải đạt 13 - 14% trong 6 tháng cuối năm thì mới đạt được mục tiêu 10% cả năm. Nhưng trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu đang có chiều hướng liên tục sụt giảm từ năm 2011 đến nay, giá cả hàng hóa thế giới tăng nhưng chưa đủ mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đạt ngưỡng sản lượng và khó tăng cao nữa.

TS. Lê Quốc Phương phân tích thêm, cơ cấu xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm của nền kinh tế rất đáng lo ngại. Nhóm cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu, trang thiết bị phục vụ sản xuất) lại giảm 1,3% cho thấy những dấu hiệu của trì trệ trong sản xuất; cùng với đó là nhóm cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu đều tăng, lần lượt là 12,9% và 11,8%.

Vẫn có những điểm sáng

Một số chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm 2016 sẽ khó tăng trưởng cao để có thể “kéo” được tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2016 đạt mục tiêu kỳ vọng.
Dự báo tăng trưởng trong nửa năm còn lại, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lạc quan cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ chịu tác động tích cực của một số điểm sáng như: chương trình hành động, chính sách trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… dần đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả; nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vận hành tốt vào nền kinh tế; tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường dần được kiểm soát và giảm thiểu.

Ông Trần Kim Chung bày tỏ quan điểm, về lâu dài, nguồn nội lực của nền kinh tế, nguồn lực trong dân mới là động lực chủ yếu cho phát triển. Do đó, ông Chung đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các cơ chế, chính sách cũng như các hoạt động triển khai thực tiễn cần hướng tới huy động nguồn lực trong dân.

Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa diễn ra, trên quan điểm người dân và doanh nghiệp trực tiếp tạo ra tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Chính phủ là tập trung cải cách thể chế, định hình nội dung tái cơ cấu để đưa ra giải pháp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tinh thần là Chính phủ phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, cởi trói cho sự phát triển.

Để thúc đẩy tăng trưởng, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo 4 giải pháp cụ thể: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ 3, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất không chỉ để tăng trưởng, mà là cơ sở để ổn định xã hội, an sinh xã hội; tận dụng và mở rộng các thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Chuyên đề