Khó chồng khó, doanh nghiệp BOT mong được cứu nguy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng công trình giao thông, hơn một năm rưỡi từ khi dịch bệnh bùng phát, đa số dự án BOT giao thông hụt thu nghiêm trọng, dự án đang thi công cũng khó khăn chồng chất, đe dọa ảnh hưởng tiến độ nhiều công trình trọng điểm… Dù gồng mình cùng Chính phủ chống dịch, đảm bảo vận hành công trình an toàn, thông suốt, nhưng tình thế DN dự án BOT đang rất nguy cấp, cần sự hỗ trợ kịp thời.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, dự án đang thi công cũng khó khăn chồng chất, đe dọa ảnh hưởng tiến độ nhiều công trình trọng điểm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Từ khi dịch bệnh bùng phát, dự án đang thi công cũng khó khăn chồng chất, đe dọa ảnh hưởng tiến độ nhiều công trình trọng điểm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Doanh thu bằng 0, rủi ro vỡ nợ

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư cho biết, khi chưa xảy ra dịch, nhiều dự án BOT đang vận hành đã đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính, nguyên nhân chính do chính sách của Nhà nước thay đổi, cam kết hợp đồng không được cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầy đủ… Trong khi khó khăn cũ chưa được tháo gỡ, dịch Covid-19 bùng phát làm hụt thu nghiêm trọng, nhiều dự án giảm 50 - 70% doanh thu so với trước dịch.

Tổng hợp vướng mắc chung, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, đối với các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, các nhà đầu tư/DN dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí... đã miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do lưu lượng giảm đáng kể. Đối với các trạm thu phí ở các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, việc dừng thu phí dẫn đến doanh thu các trạm thu phí bằng 0. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư vẫn phải duy trì bộ máy nhân sự và kinh phí để vận hành, đảm bảo an toàn giao thông và trả nợ lãi ngân hàng theo phương án tài chính, dẫn đến nguy cơ phát sinh nợ xấu, thậm chí phá sản.

Bên cạnh đó, theo VARSI, các dự án đang thi công cũng gặp nhiều khó khăn do không thể luân chuyển nhân sự, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu đến công trường, một số dự án còn phải dừng thi công. Như tại các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Nghi Sơn - Diễn Châu..., nhiều cán bộ, công nhân phải cách ly tập trung, điều trị, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Trong khi đó, DN vẫn phát sinh chi phí duy trì bộ máy, từ nhân lực đến máy móc thiết bị.

Cần hỗ trợ kịp thời

Theo Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng, mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tín dụng cho Dự án BOT Cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến là 10%/năm (đến hết năm 2021) và 10,5%/năm cho các năm tiếp theo. Mới đây, Công ty đã có văn bản đề nghị VietinBank - đơn vị tài trợ tín dụng Dự án - xem xét hoặc trình cấp có thẩm quyền chấp thuận mức lãi suất mới cho Công ty, với mức đề xuất là 8%/năm.

Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cũng kiến nghị giảm lãi suất với mức đề xuất là 1 - 3% tùy dự án.

Trong kiến nghị gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VARSI đề nghị VCCI báo cáo Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng BOT; hợp đồng vay tín dụng đã ký (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Đồng thời, hướng dẫn việc áp dụng quy định dựa trên cơ sở Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; bổ sung các DN quản lý, vận hành dự án giao thông, các công trường dự án thi công vào danh mục được hỗ trợ giảm tiền điện theo Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ. Cho phép DN được chậm nộp các khoản phí bảo hiểm xã hội của 6 tháng cuối năm, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với người lao động tại những trạm phải tạm dừng thu phí, những dự án ngừng thi công.

Về tài chính DN, VARSI đề xuất giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng; giảm thuế thu nhập DN, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất; bình ổn giá nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng các dự án.

Song song với đó, VARSI đề xuất có giải pháp đảm bảo thi công các dự án đang triển khai như bổ sung “luồng xanh” cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư, vật liệu cho các dự án đang thi công. Các Sở Xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình đã ký hợp đồng và đang triển khai thi công, tránh gây thiệt thòi cho nhà thầu, DN dự án. VARSI cũng kiến nghị phân bổ nguồn vaccine cho cán bộ, công nhân viên đang thi công, quản lý, vận hành các công trình giao thông.

Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ trên, nhiều nhà đầu tư mong Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng dự án như bố trí vốn nhà nước hỗ trợ cho Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án hầm Đèo Cả…

Theo một số luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BOT, việc tháo gỡ, chia sẻ khó khăn đối với DN dự án, nhà đầu tư BOT cần được xem xét, vì sự đổ vỡ đối với DN xây dựng có thể xảy ra. Về nguyên tắc, đối với dự án BOT, việc chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cần tuân theo hợp đồng. Ví dụ, với điều kiện bất khả kháng, cần căn cứ xem hợp đồng quy định như thế nào về bất khả kháng. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhiều hợp đồng BOT đã ký kết quy định về điều khoản này rất yếu, không cụ thể phương án xử lý nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng. Đây là bài học kinh nghiệm để các dự án BOT sau này phải coi trọng hợp đồng và các điều khoản hợp đồng hơn, đồng thời tôn trọng hợp đồng đã ký. Việc giảm lãi suất khoản vay đã ký nằm ngoài phạm vi can thiệp của Chính phủ, phụ thuộc vào đàm phán giữa hai bên ký kết hợp đồng tín dụng. Thông thường, ngân hàng có các công cụ để giãn, gia hạn khoản vay, vì bản thân ngân hàng cũng không muốn DN phá sản, không thu hồi được nợ.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề