Khai thông tín dụng cho nông nghiệp

(BĐT) - Những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách tài chính vào nông nghiệp đang làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, cản trở sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chính sách tín dụng còn bất cập

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 5 năm 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay NNNT là 17,4%/năm,  cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%.

Nếu như trước đây cho vay NNNT được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì đến nay hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm triển khai cho vay với lĩnh vực này. Một số ngân hàng đã xây dựng chiến lược hướng về cho vay NNNT và tích cực triển khai trong thời gian vừa qua như Ngân hàng TMCP Bắc Á (tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ); Ngân hàng Hợp tác xã, TMCP Sài Gòn - Hà Nội (tỷ trọng chiếm trên 40%).

Để triển khai chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ NNNT cũng được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT; một số quy định mới mang tính đột phá như các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70 - 80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, còn không ít bất cập trong chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. TS. Hoàng Thanh Tùng  thuộc Trường Đại học Lao động - Xã hội nhận định, nguồn vốn cung ứng trong lĩnh vực này còn hạn chế, lãi suất còn cao. Mặc dù đã có quy định cụ thể và hạn mức cho vay không cần tài sản thế chấp, nhưng nhiều khách hàng chưa đủ uy tín, thiếu phương án kinh doanh khả thi nên các ngân hàng dù rất muốn cũng không thể cho vay. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không được tiếp cận vốn vay nếu không có tài sản thế chấp.

Một số doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ đầu tư theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng phản ánh, thủ tục xin cấp vốn hỗ trợ khá phức tạp. Vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chỉ được vay ngắn hạn theo chu kỳ chăn nuôi, thu hoạch. Điều đó gây khó khăn và làm hạn chế năng lực tài chính của doanh nghiệp. 

Làm sao để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần cho phép doanh nghiệp trong lĩnh vực NNNT được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật.
Để giải quyết bất cập trên, NHNN cho biết, sẽ đẩy mạnh áp dụng chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, địa phương nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn và xử lý các khoản nợ vay rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn phù hợp với từng đối tượng khách hàng, sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng. Tăng cường giám sát với các khoản cho vay NNNT, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả.

TS. Hoàng Thanh Tùng phân tích, theo quy định tại Thông tư số 30/2015/TT-BTC ngày 9/3/2013 của Bộ Tài chính thì ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án hoàn thành được tạm ứng, thanh toán 70% mức hỗ trợ theo hạng mục, gói thầu; sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được thanh toán 30% mức vốn còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn đầu tư là lúc doanh nghiệp cần vốn nhất để triển khai thi công các hạng mục. Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu doanh nghiệp nhận được khoản hỗ trợ tạm ứng 70% trước khi triển khai các hạng mục của dự án và phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần cho phép doanh nghiệp trong lĩnh vực NNNT được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật.

Hiện nay, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá trần lãi suất quy định. Trong nhiều trường hợp, do cần vốn sản xuất kinh doanh nhưng không tiếp cận được tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải tìm đến một số tổ chức tín dụng khác và chấp nhận lãi suất vượt trần. Nếu chi phí lãi vay vượt trần này doanh nghiệp không được hạch toán vào chi phí hợp pháp thì có phần thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Chuyên đề