Khai thác hết các dư địa tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong trong bối cảnh khó khăn gia tăng, tình hình kinh tế - xã hội quý I của Việt Nam vẫn giữ được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế sụt giảm, doanh nghiệp khó khăn làm tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, đòi hỏi cần kịp thời tháo gỡ, có thêm giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Doanh nghiệp khó khăn làm tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, đòi hỏi cần kịp thời tháo gỡ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Doanh nghiệp khó khăn làm tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, đòi hỏi cần kịp thời tháo gỡ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tác động bất lợi từ tình hình thế giới

Tuy có một số điểm tích cực như thu hút FDI đạt mức cao của cả nước, 5/9 ngành dịch vụ tăng… nhưng nhìn chung kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM giảm sâu hơn dự báo, 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động cao…, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ bức tranh kinh tế quý I của đầu tàu tăng trưởng của cả nước.

Khó khăn của DN, sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng không chỉ diễn ra tại TP.HCM, mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.

Bức tranh kinh tế quý I/2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn gia tăng. Tăng trưởng GDP ở mức khá so với bình quân thế giới và khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (5,6%). Tăng trưởng tín dụng đến ngày 28/3 chỉ tăng 2,06%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh, khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Đặc biệt, quý I, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2022 tăng 6,8%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4% (quý I năm 2022 tăng 7,3%). Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, khoảng 40% DN chế biến, chế tạo có khối lượng sản xuất, đơn hàng quý I giảm so với quý trước.

Với thực tế này, Bộ KH&ĐT cho rằng, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước trong quý II và cả năm. Điều hành chính sách tiền tệ ở nước ta có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn, vừa phải nhất quán với định hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát, vừa phải xử lý các rủi ro của hệ thống ngân hàng, bảo đảm thanh khoản, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

Cần kịp thời hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ KH&ĐT dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%). Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025. Kịch bản 2 là tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%.

Bộ KH&ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025 từ 6,5 - 7%. Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Dù đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng nhiều ý kiến tin rằng, dư địa cho tăng trưởng các quý tiếp theo vẫn còn nhiều. Lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt (quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ), tạo thuận lợi hơn trong điều hành so với nhiều nước trên thế giới. Tháo gỡ nhanh nhất khó khăn, vướng mắc của ngành công nghiệp và xây dựng, cùng với giải ngân nhanh đầu tư công, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh ngành du lịch, dịch vụ là những động lực quan trọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được kịch bản 2.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh điều hành cần bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời chỉ đạo, có chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư để cải thiện nguồn cung trong nước, tạo động lực tăng trưởng. Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ KH&ĐT về việc các địa phương thành lập các tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ cho DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho từng địa phương và của cả nền kinh tế...

Chuyên đề