Khai mở cơ hội phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, năm khởi đầu một chu kỳ tăng trưởng mới, hàng loạt quy hoạch các cấp có tính định hướng cao sẽ được xây dựng, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.
Quy hoạch phát triển phải tạo không gian mở và linh hoạt đủ mức cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cạnh tranh, sáng tạo, cùng đóng góp vào phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Quy hoạch phát triển phải tạo không gian mở và linh hoạt đủ mức cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cạnh tranh, sáng tạo, cùng đóng góp vào phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thành viên thường trực Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch, cho biết, nội dung và chất lượng lập quy hoạch sẽ được cải thiện rõ rệt, mở ra cơ hội phát triển, không gian và ngành nghề kinh doanh mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thưa ông, sau 2 năm kể từ khi có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2019), tình hình triển khai Luật Quy hoạch như thế nào?

Luật Quy hoạch có hiệu lực tạo dựng hệ thống quy hoạch quốc gia thống nhất, góp phần thay đổi tư duy, phương pháp và nội dung hoạt động quy hoạch theo hướng phù hợp hơn với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, gắn kết chặt chẽ hơn chu trình chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư, tăng cường sự liên kết phát triển, đặc biệt là liên kết vùng, thúc đẩy các mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Ông Đinh Trọng Thắng

Ông Đinh Trọng Thắng

Đối với 3 quy hoạch tổng thể và 39 quy hoạch ngành quốc gia, hầu hết đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và đang triển khai ở các bước khác nhau. Đối với các quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT đã lập xong Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đang lấy ý kiến công khai. Đối với 5 quy hoạch vùng còn lại, Bộ KH&ĐT đang triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch.

Các quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố đến thời điểm này hầu hết đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, đang triển khai lập quy hoạch. Hiện đã có 2 tỉnh (Hà Tĩnh và Bắc Giang) lập xong quy hoạch tỉnh, trình hồ sơ lên Hội đồng quy hoạch tỉnh, dự kiến các phiên họp của Hội đồng sẽ được tổ chức trong quý I/2021.

Song song với việc xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, việc lập các quy hoạch ở các cấp còn lại đòi hỏi sự điều chỉnh các quy định liên quan tới hoạt động quản lý nhà nước với các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với Luật Quy hoạch. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, loại bỏ trên 600 quy hoạch không còn phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu giảm bớt thủ tục hành chính, rào cản đầu tư kinh doanh.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là bản quy hoạch “gốc” thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự phân bổ và huy động các nguồn lực quốc gia một cách hợp lý và hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Quy hoạch này được thực hiện dựa trên nguyên tắc và định hướng nào?

Quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đạt được mục tiêu tổng quát tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030 và các báo cáo, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Với tinh thần đó, quy hoạch phải đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Phải xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Quy hoạch sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 5 năm hoặc hàng năm.

Phương pháp tiếp cận, xây dựng và lập quy hoạch tổng thể quốc gia phải bám sát quy định của Luật Quy hoạch, đặc biệt là phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch; xây dựng quy hoạch theo phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan nhằm đạt được mục tiêu phát triển chung.

Quy hoạch phát triển phải tạo không gian mở, linh hoạt đủ mức cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cạnh tranh, sáng tạo, cùng đóng góp vào phát triển, đồng thời tiếp cận và phù hợp với thông lệ quốc tế trước xu thế hội nhập mạnh mẽ của đất nước.

ĐBSCL là vùng đầu tiên trên cả nước được lựa chọn để xây dựng quy hoạch. Quan điểm phát triển cốt lõi cũng như vai trò của vùng này trong sự phát triển của cả nước sẽ được thể hiện như thế nào tại quy hoạch?

ĐBSCL là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

Tại Hội nghị tham vấn về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL phải dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường”.

Theo đó, quan điểm chủ đạo của Quy hoạch vùng ĐBSCL là phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước bắt buộc phải thích ứng. Vùng ĐBSCL cũng không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình. Do vậy, tăng cường liên kết là một quan điểm mang tính tất yếu, khách quan.

Bộ KH&ĐT kỳ vọng Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ là bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác. Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan.

Thời gian tới, quy hoạch các cấp gần như được thực hiện song song. Cơ chế phối hợp được đặt ra như thế nào để đảm bảo mục tiêu tổng thể, tầm nhìn chiến lược của đất nước?

Việc triển khai lập và thực hiện các quy hoạch theo phương pháp tích hợp sẽ có vai trò rất quan trọng. Tại Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch đã cho phép lập đồng thời các quy hoạch. Quy hoạch nào được lập và thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch phải bảo đảm nguyên tắc liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định của hệ thống quy hoạch.

Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7/2020 đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể khi lập đồng thời các quy hoạch để các bộ, ngành và địa phương thực hiện. Tinh thần của Chỉ thị là tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin và chế độ báo cáo khi thực hiện đồng thời các quy hoạch. Tăng cường vai trò của Hội đồng quy hoạch quốc gia tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng; các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề lập đồng thời các quy hoạch.

Trong quá trình lập các quy hoạch ngành quốc gia, các bộ, ngành cần phải xây dựng văn bản thông tin đề xuất, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian của các ngành quốc gia, gửi cơ quan thường trực Hội đồng quy hoạch quốc gia và chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch vùng, tỉnh bảo đảm xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Quan trọng hơn cả là phải xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác lập các quy hoạch.

Chuyên đề