IPO Sanest Khánh Hòa: Khó chọn nhà đầu tư chiến lược

(BĐT) - Sau gần 3 tuần đăng ký đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (Sanest Khánh hòa), khối lượng đặt mua thông qua các đại lý đấu giá đã vượt quá khối lượng chào bán công khai. 
Thương vụ IPO Sanest Khánh Hòa được nhiều doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Tường Lâm
Thương vụ IPO Sanest Khánh Hòa được nhiều doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Tường Lâm

Với lợi thế ngành nghề kinh doanh, nhiều chuyên gia dự đoán giá trúng đấu giá sẽ cao hơn mức giá khởi điểm 23.000 đồng/CP từ 30 - 40%.

Tăng trưởng mạnh trước IPO

Tiền thân của Sanest Khánh Hòa là Nhà máy Nước giải khát (NGK) cao cấp Yến Sào trực thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa. Sau 5 năm hoạt động, Công ty hiện đang quản lý nhà máy có công suất lớn nhất trong hệ thống với 15.000 sản phẩm/giờ. Theo giới thiệu, Công ty có khoảng 1.000 đại lý phân phối tại 63 tỉnh thành và được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của Công ty lại chịu sự phụ thuộc khá lớn vào sự điều tiết của công ty mẹ.

Số liệu tài chính cho thấy, doanh thu thuần của Công ty tăng trưởng ổn định ở mức 5%/năm trong giai đoạn 2013 - 2015 và mới chỉ thực sự tăng mạnh 32,5% từ mức 952 tỷ đồng năm 2015 lên mức 1.260 tỷ đổng trong năm 2016. Hai khách hàng lớn nhất (chiếm trên 93% doanh thu thuần), Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa và Công ty CP NGK Yến Sào Khánh Hòa đều là những doanh nghiệp có liên quan tới Sanest.

Về cơ bản Sanest đóng vai trò một mắt xích trong chuỗi giá trị của Yến Sào Khánh Hòa nên Công ty không có nhiều lợi thế trong việc đàm phán mức giá nguyên liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra. Khả năng bị điều tiết lợi nhuận đã phần nào thể hiện qua những chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động trong kỳ.

Cụ thể, doanh thu của Sanest tăng trưởng mạnh trong năm 2016 song biên lợi nhuận gộp lại sụt giảm từ mức bình quân trên 30% giai đoạn 2013 - 2015 xuống chỉ còn 13,6% năm 2016. Tiếp nữa là chi phí bán hàng sụt giảm mạnh một cách đáng ngạc nhiên từ mức bình quân trên 150 tỷ hàng năm xuống chỉ còn hơn 54 tỷ đồng năm 2016. Nhờ vậy, Sanest Khánh Hòa ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế trên 76 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ 2015.

Tiêu chí chọn đối tác chiến lược ngặt nghèo

Theo Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp số 0223/2017/Vland-HCM và Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa thì giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Sanest để cổ phần hóa tăng thêm 153,57 tỷ đồng lên 330 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định hữu hình được xác định lại tăng thêm 59,24 tỷ đồng; giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp tăng 92,15 tỷ đồng. Dự kiến sau khi IPO, Sanest sẽ có vốn điều lệ là 330 tỷ đồng.

Dựa trên kế hoạch IPO, 1.286.360 cổ phần (3,84% vốn điều lệ) được bán cho cán bộ, công nhân lao động và công đoàn Công ty. 14.901.640 cổ phần (45,16% vốn điều lệ) được chào bán ra bên ngoài; trong đó, phần chào bán ra công chúng là 7.971.640 cổ phần (24,16% vốn điều lệ) được chào bán công khai qua đấu giá tại HSX, còn lại 21% được chào bán cho đối tác chiến lược. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa công bố danh sách nhà đầu tư mong muốn trở thành đối tác chiến lược. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, các tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược của doanh nghiệp này khá ngặt nghèo khi chỉ tập trung vào các nhà cung cấp nguyên liệu thuộc lĩnh vực bao bì, cung cấp vật tư bao bì giấy. Theo đó, nếu đối tác chiến lược là đơn vị cung cấp bao bì lon nhôm và nắp lon thì phải có thời gian hợp tác với Sanest Khánh Hòa từ 2 năm trở lên, tổng giá trị hợp đồng thực hiện với Công ty trong năm 2016 đạt từ 100 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, đối tác chiến lược còn phải có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan và có 2 năm liên tiếp kinh doanh có lãi. Riêng đối với nhà đầu tư chiến lược là đơn vị chuyên thiết kế và cung cấp vật tư, bao bì sản phẩm bằng giấy thì giá trị hợp đồng thực hiện với Công ty chỉ cần đạt từ 30 tỷ đồng trở lên song lại phải có cơ sở đặt tại Khánh Hòa.

Hiện thương vụ IPO Sanest Khánh Hòa được nhiều đối tác chiến lược trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng quan tâm. Nếu nhà đầu tư chiến lược nào hội tụ được các tiêu chí trên thì khả năng trúng đấu giá là rất cao.

EPS cơ bản 2016 tính trên vốn điều lệ mới của Sanest Khánh Hòa đạt 2.300 đồng/CP. Dựa trên kế hoạch kinh doanh 5 năm 2017 - 2022 thì mức EPS có thể đạt trên 3.000 đồng/CP. Như vậy nếu sử dụng phương pháp P/E (giá/thu nhập) các doanh nghiệp sản xuất trong ngành thực phẩm và đồ uống trong nước làm tham chiếu thì mức giá hợp lý của Sanest Khánh Hòa trong phạm vi 28.000 - 30.000 đồng/CP.

Chuyên đề