HSBC: Việt Nam khởi đầu nửa cuối năm 2023 với nhiều dấu hiệu cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại báo cáo mới nhất với tiêu đề "Dữ liệu Việt Nam tháng 7 - Sự ổn định quý giá", HSBC nhận định, trong khi dòng chảy thương mại toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự hồi phục rõ ràng, Việt Nam khởi đầu nửa cuối năm 2023 với những dấu hiệu ổn định ở các lĩnh vực giao thương bên ngoài. Đồng thời, nhờ du lịch quốc tế vẫn đang hồi phục, ngành dịch vụ trong nước tiếp tục bù đắp cho những khó khăn thương mại

Báo cáo của HSBC cho biết, sau mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn 3,7% trong nửa đầu năm 2023, những dấu hiệu tích cực đang âm thầm xuất hiện. Theo HSBC, những thách thức không hề mờ nhạt, nhưng các chỉ số tần suất cao cho thấy một số dấu hiệu ổn định tích cực.

Xuất khẩu tháng 7 giảm nhẹ ở mức 3,5% so với cùng kỳ năm trước

Xuất khẩu tháng 7 giảm nhẹ ở mức 3,5% so với cùng kỳ năm trước

Bất ngờ lớn nhất xuất hiện ở các lĩnh vực giao thương bên ngoài. Xuất khẩu tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp 3,5%. Mặc dù điều này một phần là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, nhưng xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm dệt may/giày dép và điện thoại, tiếp tục chịu sự sụt giảm ở mức hai con số, thì các lô hàng máy tính và linh kiện điện tử lại bất ngờ bù đắp phần nào những khó khăn này, tăng 32% so với cùng kỳ.

"Các hiệu ứng cơ sở đã phần nào hỗ trợ, nhưng các dấu hiệu đang cho thấy một sự ổn định quý giá - đặc biệt là từ các hoạt động nhập khẩu liên quan đến máy tính", các chuyên gia tại HSBC nhận xét.

Theo HSBC, mặc dù còn sớm để nói, nhưng các chỉ số PMI tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn - đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn.

Bất chấp những thách thức bên ngoài đang tiếp diễn, triển vọng FDI của Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên. Vốn FDI mới đạt 3% GDP trong quý II/2023, ngang bằng với năm 2022. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại so với mức đỉnh hơn 7% trong năm 2017, nhưng các điều kiện thắt chặt tiền tệ toàn cầu trong những năm gần đây phần nào lý giải cho sự giảm tốc này. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn là nước nhận FDI lớn thứ hai trong ASEAN tính theo phần trăm GDP, chỉ sau Malaysia. Các "gã khổng lồ" công nghệ trên thế giới, bao gồm Infineon, LG, Foxconn, tiếp tục công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Tất cả những yếu tố này mang lại hy vọng rằng lĩnh vực giao thương của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi chu kỳ thương mại khởi sắc.

Ngoài thương mại, các dịch vụ trong nước của Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ kinh tế. Phần lớn là nhờ sự gia tăng khách du lịch quốc tế, khi du khách từ Trung Quốc đại lục tiếp tục đều đặn đến Việt Nam, lượng du khách đạt khoảng 45% so với năm 2019. Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Việt Nam một lần nữa đón hơn một triệu lượt khách trong một tháng.

Lần đầu tiên trong 3 năm qua, Việt Nam đã đón hơn 1 triệu lượt du khách

Lần đầu tiên trong 3 năm qua, Việt Nam đã đón hơn 1 triệu lượt du khách

Mặt khác, chỉ số lạm phát tiếp tục mang lại nhiều tin tốt. Trong tháng 7, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do lạm phát năng lượng tiếp tục giảm. Mặc dù các dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy lạm phát có thể sẽ giảm tốc so với lạm phát toàn phần, động lực lạm phát đã trở nên ít đáng ngại hơn đối với NHNN, điều này đảm bảo sẽ có thêm hỗ trợ tiền tệ.

Các chuyên gia tại HSBC kỳ vọng, NHNN sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, và sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại.

"Gần đây, NHNN cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nếu "điều kiện thị trường cho phép". Dù vậy, chúng tôi vẫn thận trọng với những rủi ro gia tăng lạm phát tiềm ẩn, đặc biệt là do hiện tượng El Nino đang ngày càng nhiều hơn", các chuyên gia tại HSBC cho biết.

Nhìn chung, theo HSBC, dù tình hình vẫn chưa khởi sắc hoàn toàn, nhưng Việt Nam đã khởi động nửa cuối năm 2023 với nhiều dấu hiệu cải thiện trong hoạt động kinh tế.

Chuyên đề