Hoàn thiện cơ chế huy động tối đa nguồn lực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không chỉ giúp bổ sung phần vốn thiếu hụt giữa nhu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ công và khả năng cấp vốn của ngân sách nhà nước, mà khả năng quản trị tốt của khối tư nhân còn giúp dự án được xây dựng nhanh hơn, bảo đảm chất lượng, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho xã hội.
Ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam dành từ 15 - 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho phát triển hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam dành từ 15 - 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho phát triển hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư PPP, đồng thời có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan, được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút mạnh hơn dòng vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc, mở rộng thu hút PPP

Với nhu cầu đầu tư rất lớn để thực hiện mục tiêu phát triển, nhiều siêu dự án hạ tầng đang chờ đầu tư, PPP là cơ hội cho nhà đầu tư phát triển dự án mới và của chính Nhà nước để giải bài toán nguồn lực tài chính…

Tại hội nghị của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật diễn ra ngày 18/7, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng hợp bước đầu một số bất cập, vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nhiều địa phương đã có đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật PPP để tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội nhiều hơn trong thu hút đầu tư tư nhân.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, Luật PPP quy định các dự án lĩnh vực giao thông vận tải triển khai theo phương thức PPP phải có tổng mức đầu tư tối thiểu là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số công trình, dự án lĩnh vực giao thông có quy mô tổng mức đầu tư thấp hơn, nhưng vẫn có khả năng kêu gọi đầu tư PPP, nên việc quy định tổng mức đầu tư quá lớn sẽ hạn chế thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Quảng Trị kiến nghị quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu từ khoảng 200 tỷ đồng trở lên, nhằm tạo cơ hội thu hút nguồn lực tư nhân vào dự án có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là các dự án giao thông tại địa phương.

Bên cạnh đó, đối với một số dự án giao thông lớn, có tổng mức đầu tư lớn, cần sự hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước tham gia lớn hơn 50% tổng mức đầu tư mới bảo đảm tính khả thi. Tỉnh Quảng Trị kiến nghị đối với một số trường hợp dự án ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án có thể lớn hơn 50%, nhưng không quá 75%, để bảo đảm triển khai thuận lợi.

UBND tỉnh Thái Bình nêu ra vướng mắc về nguồn chi trả chi phí chấm dứt hợp đồng PPP trước thời hạn. Theo đó, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (khoản 2 Điều 82) quy định chi tiết nguồn vốn nhà nước thực hiện chi trả chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn gồm: vốn đầu tư công, dự phòng vốn đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chưa quy định cụ thể việc bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là một đối tượng được sử dụng vốn đầu tư công, nên việc cân đối, bố trí vốn đầu tư công chưa thể thực hiện. Tỉnh Thái Bình đề nghị xem xét, bổ sung quy định, hướng dẫn xử lý chi phí khi chấm dứt hợp đồng PPP trước thời hạn đối với các trường hợp còn lại làm cơ sở triển khai thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định chuyển tiếp: “Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng quy định của Luật này và hợp đồng dự án đã ký”. Bởi lẽ, Luật PPP được xây dựng trên cơ sở đúc kết thực tiễn, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong đầu tư theo phương thức này từ giai đoạn trước, nhằm tiếp tục thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng với nhiều quy định mới như cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP… UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét áp dụng cho các hợp đồng dự án PPP đã ký kết làm cơ sở bảo đảm công bằng trong đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư tham gia qua các thời kỳ và phát huy hiệu quả của chính sách pháp luật mới.

UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật PPP, đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng. Quy định này sẽ vướng đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ đã thực hiện đầu tư giai đoạn 1 (các dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đầu tư giai đoạn 1 là Dự án Xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo phương thức PPP, muốn đầu tư mở rộng giai đoạn 2 theo phương thức PPP sẽ không thực hiện được). Tỉnh Hòa Bình đề xuất điều chỉnh quy định này theo hướng đồng bộ với quy định tại Điều 48 Luật Đường bộ 2024 (đối với dự án đã được đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng thỏa thuận với nhà đầu tư về việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc...).

Một số địa phương đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các dự án BT đã ký hợp đồng do vướng các quy định tại pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung lĩnh vực văn hóa và thể thao là lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP.

Tổng hợp bước đầu từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bất cập tại quy định về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP; quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP; hạn mức vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP; thẩm quyền đầu tư; và xử lý đối với các dự án BT chuyển tiếp. Theo Bộ Tư pháp, loại hợp đồng BT bị loại khỏi Luật PPP do bị coi không phải là phương thức PPP, mặc dù đã được áp dụng gần 20 năm trước đó. Tuy khi áp dụng loại hợp đồng BT này còn nhiều vướng mắc song đây là mô hình PPP cần được tổng kết, nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất cơ chế thực hiện rõ ràng, minh bạch sẽ phát huy được hiệu quả. Thực tế vừa qua Quốc hội đã đồng ý cho TP.HCM áp dụng lại loại hợp đồng này tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, đồng thời, Luật Thủ đô cũng có quy định tương tự.

Nhanh chóng sửa Luật, thu hút tối đa nguồn lực

Báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu năm 2017 cho thấy Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về hạ tầng vào năm 2040, trong khi đó, theo Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF) ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành 15 - 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho phát triển hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD, bao gồm cả ngành điện. Do đó, mỗi năm, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng. Tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu khi mức nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong tương lai, đầu tư theo phương thức PPP vẫn được coi là mô hình tiềm năng nhất để thu hút nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật từ khối tư nhân tham gia vào xây dựng hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh rằng, vốn đầu tư công chỉ là vốn mồi, dẫn dắt, phải tạo cơ chế mở, đồng bộ, thông thoáng để huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước, đồng thời yêu cầu sớm sửa đổi Luật PPP.

Tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 8/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẩn trương triển khai các thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm xử lý tổng thể, giải quyết các tồn tại, vướng mắc và khơi thông nguồn lực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024.

Tại cuộc họp rà soát quy định của các luật thuộc lĩnh vực KH&ĐT ngày 15/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khi sửa Luật PPP cần đánh giá kỹ lưỡng thực tiễn thi hành trong thời gian qua nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thu hút tối đa các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư theo phương thức PPP, phù hợp với các lĩnh vực Nhà nước kêu gọi đầu tư...

Cần sự vào cuộc đồng bộ, đa dạng cách làm

Những vướng mắc tại Luật PPP đã được Bộ KH&ĐT nhận diện, báo cáo Chính phủ trong các báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Tại báo cáo tháng 9/2023, Bộ đã tổng hợp các nhóm vấn đề còn vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Cùng với sửa đổi Luật PPP, để xử lý được vướng mắc, còn cần sửa đổi đồng bộ quy định của pháp luật liên quan. Ví dụ với những vấn đề nổi cộm được nhà đầu tư, địa phương rất quan tâm là đảm bảo tính khả thi cho cơ chế chia sẻ sụt giảm doanh thu, nguồn vốn nhà nước chi trả khi chấm dứt hợp đồng PPP trước thời hạn, Bộ KH&ĐT cho biết, đây là nội dung cần phải rà soát toàn diện hệ thống pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công... thì mới đề xuất được phương án sửa đổi phù hợp.

Theo Bộ KH&ĐT, để thúc đẩy mô hình PPP, cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, nguồn lực của Nhà nước phải mang tính dẫn dắt, bảo đảm nghĩa vụ của khu vực công trong hợp đồng PPP. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thông qua giám sát, đánh giá, kiểm tra, tăng cường năng lực; tích cực truyền thông để đưa chính sách pháp luật về PPP vào cuộc sống.

Bộ KH&ĐT đề nghị cơ quan có thẩm quyền của các dự án PPP đôn đốc, đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. Đồng thời, chủ động tăng cường năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý dự án PPP và hợp đồng PPP cho các cơ quan chuyên môn tại địa phương. Ưu tiên bố trí các nguồn lực để nghiên cứu, lựa chọn các dự án PPP có hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi về tài chính và thương mại. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận các quỹ đầu tư quốc tế, nguồn vốn hợp pháp có lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài, tạo các kênh huy động vốn khác bên cạnh nguồn vốn tín dụng.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất lựa chọn 2 - 3 dự án đường bộ cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tổ chức xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu về sự cần thiết và tính khả thi của việc hình thành Quỹ đầu tư và tái đầu tư các công trình đường bộ cao tốc, để quản lý nguồn thu từ nhượng quyền các công trình thông qua hợp đồng O&M và tái đầu tư vào các dự án, công trình mới.

Kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc nhượng quyền kinh doanh các tài sản hạ tầng đã được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước có thể thu hút được các nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế và giải quyết được các khó khăn của thị trường vốn vay thương mại cho các dự án PPP tại Việt Nam hiện nay do không còn rủi ro trong giai đoạn xây dựng. Điều này cũng cơ bản phù hợp với bối cảnh nước ta đã, đang và sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn như cao tốc Bắc -Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, một số tuyến cao tốc trọng điểm vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ…

Chuyên đề