Hổ trong mơ ước của nhiều người

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Người Việt có nhãn quan và tâm niệm khác nhau, thậm chí trái ngược về hổ.

Trong niềm tin tín ngưỡng nhiều tộc người, họ luôn kính sợ trước oai phong của hổ. Ngược lại, có người lại bỏ công, bỏ của săn về bằng được lạng cao hổ ngâm rượu uống, nhằm mong cường gân cốt, ích khí bổ thận... Người thích sưu tầm bộ da hổ về treo tường, thậm chí nhồi bông, bày trang trọng nơi phòng khách. Rồi có người ra sức kiếm từng cái móng, nanh hổ về bọc vàng, bạc để làm đồ trang sức... Chung quy, nhiều người quan tâm và mơ ước về hổ. Năm Nhâm Dần, mạn đàm sơ sơ về cái nanh, vuốt hổ.

Chiếc nanh mẻ gốc

Chiếc nanh hổ bị mẻ phần gốc, đã vàng bóng men thời gian

Chiếc nanh hổ bị mẻ phần gốc, đã vàng bóng men thời gian

Gần hai mươi năm trước, tôi công tác ở Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin trước đây. Do đặc thù công việc, chúng tôi thường có những chuyến công tác dài ngày ở miền núi. Những lần đầu đi xa, gặp cái gì cũng lạ, nhưng lạ nhất vẫn là khi nghe được những câu chuyện đầy huyễn hoặc từ những tiền bối cùng cơ quan về các loại sản vật quý hiếm của núi rừng. Tất nhiên, chúng tôi hiểu quy định về việc bảo tồn loài thú quý hiếm, nên chỉ mon men lùng mua nơi hiệu vàng, hay hy vọng ở những tay thợ săn, thợ gỗ lão luyện chốn núi xanh, rừng thẳm sẽ giữ thứ mình cần tìm như một kỷ niệm đời thợ.

Năm 2004, tôi được cử đi công tác tại Hà Giang. Một lần đi xe ôm, thủ thỉ hỏi về nanh, vuốt hổ, tôi mừng rơn khi nghe chàng trai dân tộc Mông lơ lớ: “Mẹ em cũng có một cái nanh”. Tôi hỏi: “Nhà có xa không, về hỏi mẹ bán cho anh”. Chàng trai đồng ý. Qua trung tâm thành phố vài cây số, những tấm gỗ ván khấp khểnh đóng thành hình ngôi nhà, tuyềnh toàng nằm nép bên vách núi ngay ranh giới Thành phố và huyện Bắc Mê.

Thấy con trai nói khách hỏi về chiếc nanh hổ, bà cụ đang đứng trong sân lập cập bước vào nhà, lôi trong góc chiếc tủ gỗ còn ba cái chân lành lặn, lẩn nhẩn mở bọc vải nhỏ lấy ra chiếc nanh to bằng đầu ngón tay cái đã vàng bóng men thời gian. Bà cụ giơ cao chiếc nanh, móm mém giải thích, nhiều người quen bị chó cắn hay mượn bà cái nanh để mài ra hòa với nước... bôi vào vết thương; như thể thay cách giải thích về cái nanh bị mẻ phần gốc. Tôi trả 400 nghìn, bà cụ gật đầu đồng ý bán chiếc nanh. Tâm sự lúc chở tôi quay ra chỗ làm, anh tài xế kể nhà vợ có chiếc to gấp đôi và lành nguyên so với chiếc nanh tôi vừa sở hữu. Tôi tiếc không thể đến được nơi đó vì đường rừng núi gập ghềnh xa hơn 60 km, anh người Mông chẳng có điện thoại di động, máy bàn cũng không.

Thầy dạy vẽ của tôi, họa sĩ Lê Trí Dũng thấy cũng đeo một chiếc nanh to. Vì bận bịu chưa đến thăm thầy nên tôi không tiện hỏi về chiếc nanh, nhưng tôi thấy thầy hợp với nó bởi dáng người phương phi, lại có mái tóc bồng bềnh sương gió. Giữa tháng Chạp, họa sĩ sơn mài Cấn Mạnh Tưởng cho tôi xem một chiếc nanh gấu và hỏi cách phân biệt nó với nanh hổ. Tôi bảo: “Nanh hổ có múi khế rõ, màu sắc không dại và trắng như nanh gấu”.

Quả thực, chẳng có gì làm tiêu chuẩn để bảo đảm phân biệt rõ ràng, chính xác về nanh hổ. Nhưng lạ một điều, ai đã từng nhìn, cầm vào những chiếc nanh hổ xịn, chắc sẽ biết đâu là hàng thật, hàng giả. Thường mấy anh chàng láu cá hay kiếm khúc xương bò đặc, bỏ công gọt dũa bổ múi, nhuộm mầu vàng nhằm lừa khách mua lơ ngơ. Nanh hổ thật bao giờ cũng toát lên thứ gì đó rất chắc chắn, mạnh mẽ, phảng phất sự oai nghiêm khó diễn tả. Mạnh Tưởng nhờ tôi kiếm giúp một chiếc nanh hổ. Tôi gật đầu, dù biết việc đó khó vì bây giờ người có tiền và ham chơi xuất hiện ngày càng nhiều mà vật quý lại không sinh sôi nẩy nở.

Giấc mơ hổ dữ

Tôi từng thấy nhiều chiếc nanh hổ rất đẹp, nhất là dịp được tham dự Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất, được tổ chức tại thị trấn Mộc Châu. Ở đó, tôi gặp nhiều chàng trai dân tộc Mông, đánh bạc vào chiếc nanh để đeo trên cổ, còn những người phụ nữ thì cẩn thận buộc vào chiếc túi thổ cẩm đeo bên hông. Con trai đeo và phanh áo ngực để ra oai, chị em mang theo mình để mong tránh được con ma, cái gió độc. Năn nỉ thế nào, tôi cũng không thể sở hữu được vật mình muốn. Con trai, bà già có cho cầm xem, rồi cười toét miệng lắc đầu khi được hỏi mua, còn mấy đứa con gái thì chạy vù vù khi tôi mới chỉ mon men lại gần để ngó chiếc nanh.

Năm 2005, tôi cùng cơ quan đi công tác Điện Biên chuẩn bị cho việc tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc. Sau buổi làm việc, chiều tôi lang thang đến chợ trung tâm. Gặp tấm biển viết phấn trắng “Chuyên bán đồ rừng”, tôi tò mò bước qua một đống lồng gà vịt sống quang quác, mùi hôi chật mũi để chui lên tầng 2 căn nhà. Cuối bậc cầu thang ẩm thấp, tôi gặp một dị nhân mang tướng bặm trợn của thợ rừng, vẻ ngoài kềnh càng với cách nói chuyện hùng hổ, không chè thuốc và chỉ dịu giọng khi biết cả hai cùng nghề. Dị nhân nguyên là nhân viên văn hóa một huyện của Điện Biên về hưu hơn 3 năm, kinh doanh gà, vịt kiêm thêm món sưu tập, buôn bán những đặc sản của rừng. Tôi nghe dị nhân kể nhiều chuyện về hổ và cách tại sao lão tìm được những thứ kỳ lạ. Lão gạ tôi mua 2 chiếc vuốt hổ với mức giá “hữu nghị” của 2 kẻ cùng nghề. Hôm sau tôi kéo vài ông anh cùng cơ quan đến mua hàng, được lão cảm ơn bằng một lạng cao trăn và bảo chú mày trẻ đừng lớ rớ uống vào, để già hãy dùng không sẽ... tịt cái đàn ông.

Nhiều dịp đến Lũng Vân, Hòa Bình, tôi cũng nhờ người quen dẫn đến vài bản người Mường. Nơi đó, nhiều nhà còn giữ được những chiếc dao cổ rất đẹp. Nhà có kinh tế trung bình, họ thường gắn chuôi dao với đầu gạc nai nhỏ bằng vòng sắt trơn. Nhà giầu, họ lấy nanh hổ gắn với chuôi dao bằng thứ bạc trắng, chạm trên đó những hoa văn đẹp mắt. Tôi mua được con dao có gắn nanh hổ và tìm lên một hiệu vàng trên thị trấn, xem lão chủ tiệm giới thiệu kỳ vật. Ngắm chiếc nanh hổ vĩ đại, đường kính gần 20 cm, tôi mường tượng đến một Chúa sơn lâm có tiếng gầm vang khắp Mường Chậm, hùng dũng vô song. Lão chủ tiệm vàng phát giá chiếc nanh hơn 4 triệu đồng, số tiền lớn với một nhân viên văn hóa lương 750 nghìn một tháng như tôi và quan trọng, tôi chưa đủ độ máu để sở hữu nó.

Ở Hà Nội, tôi thân với một ông lão làm nghề thuộc da có cửa hiệu trên phố Hoàng Hoa Thám. Thâm niên hơn 30 năm trong nghề thuộc các thể loại da, ông bảo cứ con gì có da là ông... nhồi được. Cho tôi xem những con hổ vằn vện bên trong đầy bông, ông rỉ tai, đây là thứ của người giầu thuê ông tẩm thêm thuốc chống mốc, vá víu những phần da rách. Ông giảng giải, những con hổ nhồi phải còn nguyên vuốt ở bốn chân, hay nanh trên hàm mới thật quý và ngăn tôi chụp ảnh. Những chú hổ ông xử lý đến từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu do khách mua được từ Lào hay ở một số miền rừng nhiều năm trước. Tôi mê mẩn xem chiếc đầu hổ to, còn nguyên hàm với 4 chiếc nanh. Đó là vật của một đại gia treo phòng khách, nhưng phải mang đến ông lão nhờ bán vì buổi đêm đứa con gái toàn mơ gặp hổ, nhe hàm răng trắng dữ tợn...

Có lẽ tôi là người có duyên với hổ, hồi nhỏ tôi được người thân cho cái nanh hổ bọc bạc đeo tránh gió và đánh mất trong lần chơi đùa cùng lũ bạn ở trường. Sau đi làm tôi lại kiếm được nhiều vuốt, nanh hổ khi lang thang miền rừng. Tết Nhâm Dần, nhớ chuyện cũ và chuyện cô bé ngủ mơ về hổ dữ, chợt nghiệm ra không nên ích kỷ sở hữu những thứ quý của rừng, những gì thuộc về loài vật oai linh. Tôn trọng sự nguyên vẹn của tự nhiên và những con vật oai linh..., tôi sẽ rời xa chiếc nanh hổ mình đang giữ.

Chuyên đề