Thực trạng buồn về hiệu quả hoạt động của DNNN
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016 thấp xa so với khu vực ngoài nhà nước. Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). Hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với DN ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, hệ số ICOR của khối DNNN trong giai đoạn 2011-2016 cao hơn nhiều so với hai khu vực doanh nghiệp còn lại (năm 2016 cao gấp 1,58 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, 1,86 lần so với doanh nghiệp FDI).
Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015. Ảnh Internet
Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước... Với kết quả này, ông Thanh cho rằng, hiệu quả hoạt động của các DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Đề cập về hoạt động của DNNN, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2011 - 2016 đã cho thấy một thực trạng đáng buồn.
Theo ông Lộc, lẽ ra DNNN phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động khu vực này đang ở vị trí khóa đuôi. Ông Lộc nói : “Hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác”. Chẳng hạn, năm 2016 các DNNN đã phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới để thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp 2 lần so với chỉ tiêu 5 đồng của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và cao gấp 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hơn nữa mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản của DNNN không chỉ ở mức thấp mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian. Từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10 đến 4,6% năm 2016. Ngân sách nhà nước cũng nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước...
Cổ phần hóa quyết liệt và thực chất
Đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn tại DNNN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất giải pháp cho vấn đề này.
Theo ông Lộc, thực tiễn cho thấy sự chậm trễ trong tiến trình CPH không chỉ là nguyên nhân mang tính khách mà còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan như: Những lo ngại của ban lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm; sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới Chính phủ sẽ thúc đẩy tiến trình CPH DNNN một cách quyết liệt như đã và đang làm rất thành công đối với cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính cắt bỏ giấy phép con và các điều kiện kinh doanh trong thời gian qua”, ông Lộc bày tỏ và cho rằng nếu làm được như vậy sẽ tạo động lực cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong DNNN, từ đó thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng trong nền kinh tế.
Góp ý nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thiện về mặt thể chế và khuôn khổ pháp lý cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN nhằm nâng cao hoạt động, trong đó có vấn đề sử dụng vốn của DN. Bộ trưởng lưu ý, trong hoạt động điều hành của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng cần phải quán triệt rõ những nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong kinh tế nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đồng thời thực hiện theo đúng nguyên tắc của thị trường. Còn Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) đề xuất, ngoài việc ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp Chính phủ cần có chính sách, có phương thức quản lý đánh giá phù hợp với các DNNN trong lĩnh vực đúng chủ trương nhưng kinh doanh theo cơ chế thị trường. DNNN chỉ kinh doanh trong lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư do không đáp ứng được yêu cầu về lợi nhuận. Hai loại doanh nghiệp này phải có chính sách khác nhau và cách ứng xử khác nhau. Bên cạnh đó, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của SCIC, không nên để tình trạng SCIC thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực không then chốt Nhà nước đang thoái vốn...