Vân Đồn (Quảng Ninh) là một trong 3 địa phương được Chính phủ lựa chọn thí điểm lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh:Tiên Giang |
Hiện thực hóa mục tiêu này, Dự thảo Luật Đơn vị HC-KTĐB đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, 3 địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) chuẩn bị báo cáo tiến độ xây dựng Đề án Đơn vị HC-KTĐB của từng địa phương; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các đơn vị.
Phó Thủ tướng lưu ý các cơ chế, chính sách cần phân chia theo từng nhóm (sử dụng đất, xuất nhập cảnh, tài chính - ngân hàng, phát triển hạ tầng, lĩnh vực ngành nghề thu hút công nghệ cao, tổ chức lực lượng công an, quân đội...). Trong đó, đề xuất về cơ chế, chính sách, đặc biệt lưu ý các cơ chế, chính sách phải làm nổi bật thế mạnh của từng khu, không cạnh tranh lẫn nhau, đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Văn phòng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trước ngày 3/4/2017 tổng hợp chung, báo cáo Phó Thủ tướng để tổ chức họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và 3 địa phương nhằm thúc đẩy nhanh việc xây dựng Dự án Luật Đơn vị HC-KTĐB.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị HC-KTĐB là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo định hướng mỗi đơn vị HC-KTĐB lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
Chính phủ đã giao UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án đơn vị HC-KTĐB; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng Dự án Luật Đơn vị HC-KTĐB cho từng đơn vị.
Hiện thực hóa bằng Luật
Hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Luật Đơn vị HC-KTĐB với mục tiêu xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
Theo Bộ KH&ĐT, qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta, mặc dù các mô hình này đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những mô hình này kém linh hoạt. Ngoài ra, cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng, kết cấu hạ tầng và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, ngay từ năm 1942, nhiều quốc gia đã phát triển thành công các mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn. Các mô hình này đã tạo đà để các quốc gia xây dựng thành công những khu vực kinh tế phát triển, có sức lan tỏa. Và đến nay, các mô hình này vẫn tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phương thức phát triển các mô hình này cũng có sự thay đổi bằng cách đàm phán, thỏa thuận và giao cho nhà đầu tư chiến lược có năng lực để xây dựng cơ chế, chính sách, mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế thay cho phương thức Nhà nước tự chủ động xây dựng.
Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị HC-KTĐB ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.