Hiện thực hóa “giấc mơ FTA”

(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) Việt thành công trong hội nhập đồng nghĩa với vượt qua thách thức và tận dụng được cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Bài học từ hội nhập WTO đã được đúc kết, DN Việt được nhận diện còn rất yếu và sân chơi quốc tế đã mở ra. 
Lợi thế của Việt Nam trong hội nhập (nguồn WB)
Lợi thế của Việt Nam trong hội nhập (nguồn WB)

Chính phủ bước sang giai đoạn quyết liệt hành động để chắp cánh cho DN hội nhập thành công. Nhưng DN liệu có xác quyết rằng, trên con đường hiện thực hóa “giấc mơ FTA”, nội lực Việt sẽ được phát huy với “bông hồng FTA đẹp, thơm và có gai”?

“Hoa hồng FTA” có gai

Phát biểu ngay sau khi Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhận xét: "Việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện. Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất".

Trong cuộc Toạ đàm “TPP - Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ KH&ĐT tổ chức gần đây, bà Victoria Kwakwa, diễn giả chính trong Buổi toạ đàm, lúc đó còn trên cương vị Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: “TPP không chỉ xóa bỏ hàng rào thương mại, đẩy mạnh tiếp cận các thị trường xuất khẩu quan trọng, mà còn có những tác động hữu hình tới chất lượng thể chế, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn môi trường và lao động, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hóa dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và viễn thông…”.

Tuy cơ hội là rất lớn song khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Nói về khó khăn của DN Việt trong hội nhập, tại Diễn đàn doanh nhân nữ ASEAN 2016, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ví von: “DN Việt trong hội nhập như đi trên cầu khỉ”. “Đi trên một chiếc cầu khỉ chênh vênh trên lưng bị đè nặng bởi khối đá đó là chi phí, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa đến bên ngoài được”. Thật đáng ngẫm về những lời thẳng thắn, chân thành đến độ xót xa này của ông Cung khi nói về DN Việt trong hội nhập.

Năng lực hội nhập thấp là một thách thức lớn của đại bộ phận DN Việt. Nhắc đến năng lực hội nhập, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, thẳng thắn thốt lên tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015: “Với lực lượng thế này chúng ta hội nhập thế nào?” và ông nhắc: “Chơi với thế giới mà cứ ôm hôn, sau đó lại quại nhau thì không được”.

Nhìn lại quá trình chúng ta hội nhập, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ví von: “Hội nhập là cuộc hôn nhân giữa cô gái thôn quê xinh đẹp, trong sáng là kinh tế tư nhân với một chàng trai thành thị là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Cảnh báo về việc bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội từ các FTA, một số chuyên gia cho rằng, “không cẩn thận thì hương thơm của hoa hồng FTA chưa mang lại hạnh phúc thì chính gai hoa hồng lại mang đến những nỗi đau”.

Phụng sự doanh nghiệp để hội nhập

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam trải qua hơn 4.000 cuộc gặp gỡ tiếp xúc của 14 vòng đàm phán trong suốt hơn 11 năm trời. Về TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng thời là Trưởng Đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết, sau quá trình phê duyệt từ 18 đến 24 tháng, hiệp định này sẽ có hiệu lực. Nỗ lực đàm phán tốt đã đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình hạn chế tối đa thách thức, mở ra cơ hội trong hội nhập. Nhưng, nhiều người không khỏi day dứt trước tình trạng “Đàm phán tốt, thực thi bỏ ngỏ” - bài học từ WTO vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy hiệu quả của chiến thắng trên bàn đàm phán trên con đường hiện thực hoá những “giấc mơ FTA” là một trách nhiệm.

Về lý thuyết, việc chủ động từ tầm nhìn, tạo ra thể chế chính sách phù hợp, chuẩn bị năng lực để bước vào “sân chơi FTA” là điều cần thiết, nhưng hiện thực hóa “giấc mơ FTA” là điều không dễ.

Tận dụng lợi thế và vượt qua thách thức là con đường để “đội quân doanh nghiệp” của Việt Nam giành chiến thắng trong những “trận đánh” mang tên FTA
Hội nhập, như một đại diện của VCCI từng nói: “Là cuộc chơi của các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng chịu tổn thương trong mối quan hệ này”. Trước thực tế hơn 97%  DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, đại diện VCCI cho rằng: Nhà nước phải tạo cho "cô con gái rượu" kinh tế tư nhân của mình môi trường lành mạnh để cạnh tranh và phát triển.

Cho rằng Việt Nam cần những cải cách thể chế để hỗ trợ, thúc đẩy khả năng phát triển của DN nhằm nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế từ các FTA, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: "Tôi nhìn thấy cơ hội rất mới của chúng ta. Đây là một dịp để chúng ta đổi mới tư duy, đổi mới thể chế để đi cùng với thời đại. Nếu không có sự đổi mới, chúng ta chỉ đứng bên rìa của hội nhập”.

Nói về tác động của TPP và hội nhập nói chung đối với Việt Nam, bà Victoria Kwakwa kỳ vọng các FTA này “sẽ kích thích cải cách thể chế để tăng cường và chuẩn hóa các quy tắc và tính minh bạch, cũng như hỗ trợ việc tạo ra các thể chế hiện đại ở Việt Nam”.

Trong những động thái gần đây, về phía Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu lớn cho nhiệm kỳ của mình là xây dựng “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Các cấp chính quyền đã và đang vào cuộc hưởng ứng chủ trương của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Chúng ta vẫn còn một khoảng thời gian quý giá để tạo bước chuyển, giúp cho DN Việt chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia sâu vào các cam kết FTA. Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đang có những hành động thể hiện cam kết hỗ trợ DN. Tinh thần “phụng sự doanh nghiệp” tiếp tục được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN giữa VCCI và UBND 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam diễn ra mới đây.

Về phía DN, bài học WTO được nhiều chuyên gia đúc kết, trong đó có tình trạng “sợ hội nhập như sợ ma vì không biết con ma nó thế nào”. Đó là một thách thức lớn của DN Việt. Nhưng theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, thách thức lớn nhất đối với các DN, nhà thầu trong hội nhập là “cạnh tranh chân chính”. Vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen “xin - cho”, thay đổi tư duy nhận thức về cách làm ăn là yêu cầu không thể khác được trong quá trình thực thi các FTA.

Hiện thực hóa “giấc mơ FTA”, đối với DN Việt, là con đường của sự học hỏi và trả giá. Trong một bài hát được nhiều người trẻ của Việt Nam yêu thích với tên gọi “Đường đến ngày vinh quang” có đoạn viết: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”. Chặng đường mà Việt Nam hội nhập đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, hội nhập sâu rộng hơn thông qua các FTA thế hệ mới. Tận dụng lợi thế và vượt qua thách thức là con đường để “đội quân DN” của Việt Nam giành chiến thắng trong những “trận đánh” mang tên FTA này.

Chuyên đề