Việt Nam cần thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Ảnh: Nhã Chi |
Làm thế nào để sự chuyển dịch này đạt được hiệu quả như mong đợi là vấn đề được các nhà khoa học, chuyên gia bàn thảo tại Hội thảo khoa học quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ những nghiên cứu thực chứng” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tăng trưởng vẫn dựa vào vốn và lao động
Năng suất của nền kinh tế vẫn còn thấp, tính đổi mới sáng tạo chưa cao, doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa tạo được lợi thế so sánh cạnh tranh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh thực trạng này khi mở đầu cuộc Hội thảo. Theo Thứ trưởng Đông, với nỗ lực cải cách trong nước cùng với tác động tích cực từ quá trình hội nhập, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ cao hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đứng trước nhiều thách thức và áp lực, trong đó nổi bật lên là vấn đề năng suất và đổi mới sáng tạo.
Đề cập về thực trạng năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), TS. Đặng Đức Anh cho biết, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào vốn và lao động.
Về năng suất lao động, kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực. Số liệu về tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2006 - 2016 của 20 ngành kinh tế cấp 1 cho thấy, tất cả các ngành kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng dương. Tuy nhiên, có tới 11/20 ngành kinh tế tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu từ tăng năng suất lao động. Kết quả này chứng minh rằng nền kinh tế đang tăng trưởng theo bề rộng, dù có tăng trưởng nhưng không bền vững, chưa có đổi mới sáng tạo.
Bàn thêm về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội chỉ ra, Việt Nam đang có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, song bản chất là thừa về lượng nhưng thiếu về chất. Bà Hương cho biết, rất nhiều DN phản ánh sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu của DN do họ thiếu kỹ năng; kỷ luật lao động chưa cao…
Làm gì để tăng năng suất?
Tại Hội thảo, GS. John FitzGerald thuộc Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin chia sẻ, để cải thiện năng suất, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: vốn, khoa học công nghệ và con người. Trong đó, quan trọng nhất, để phát triển một cách bền vững và bảo đảm bắt kịp các nước phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Đồng thời, cần phải giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính…
TS. Đức Anh cho rằng có rất nhiều nhân tố góp phần nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế như: cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; cổ phần hóa DNNN; chất lượng nguồn nhân lực; liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… Trong đó, nhân tố chủ chốt là cải cách DNNN. “Nếu cải cách tổng thể DNNN, có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất. Nếu năng suất của DNNN tăng 2% sẽ tăng 1,14% GDP; tăng 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu”, chuyên gia này phân tích.
Đồng tình với quan điểm đẩy mạnh cải cách DNNN sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trao đổi bên lề Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Mại thẳng thắn, DNNN hiện nay sử dụng quá nhiều tài sản của Nhà nước nhưng lại có năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp. Ông cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian tới chính là thúc đẩy mạnh mẽ khu vực DN tư nhân trong nước phát triển, bao gồm các tập đoàn kinh tế lớn, đồng thời phát triển nhiều hơn DNNVV nhưng với quy mô lớn hơn hiện nay; cùng với đó là thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Về định hướng thu hút FDI, GS. Nguyễn Mại nêu quan điểm, thu hút FDI thế hệ sau phải lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy năng suất, hiệu quả làm thước đo quan trọng nhất.