Hiến kế sử dụng “phao” phòng vệ thương mại trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phòng vệ thương mại (PVTM) được xem là “phao” cho doanh nghiệp (DN) để chống lại những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập. Vì thế, việc tăng cường nhận thức về vấn đề này trong tình hình mới là rất quan trọng.
Ngành mía đường Việt Nam được đánh giá "hồi sức" nhờ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (ảnh: internet)
Ngành mía đường Việt Nam được đánh giá "hồi sức" nhờ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (ảnh: internet)

Điều tra áp dụng biện pháp PVTM gia tăng

Thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, hơn 25 năm qua, các nước đã khởi xướng điều tra tổng cộng 6.300 vụ chống bán phá giá, 632 vụ chống trợ cấp và 400 vụ việc tự vệ. Như vậy, trung bình mỗi năm có 290 vụ việc.

Với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm gần đây, số lượng vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới có 25 vụ việc (trong đó có 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp…) thì con số này trong giai đoạn 2011 - 2015 là 52 vụ việc, giai đoạn 2016 đến tháng 9/2021 là 109 vụ việc.

Đặc biệt, theo Lãnh đạo Bộ Công Thương, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa XK Việt Nam sử dụng nguyên lệu chính thức được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng PVTM như: thép, nhôm…

“Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng XK của Việt Nam có nhiều, nhưng một trong những lý do quan trọng là XK của Việt Nam tăng rất nhanh. Nhiều mặt hàng của Việt Nam tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ”, ông Khánh nêu nguyên nhân.

Song ở chiều ngược lại, mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng trong những năm gần đây chúng ta đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước. Tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM. Các biện pháp này đã góp phần lập lại môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước trong bối cạnh hội nhập.

Tăng cường truyền thông về PVTM

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, để cộng đồng DN và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM, vai trò của báo chí truyền thông là rất quan trọng.

“Báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN, là kênh thông tin rất hiệu quả để tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nói chung và PVTM nói riêng. Để cộng đồng DN và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM là rất quan trọng”, ông Khánh nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, vai trò của truyền thông đối với các vụ kiện PVTM là cực kỳ quan trọng, nhất là khi hiểu biết về PVTM còn hạn chế. “PVTM là cuộc chiến pháp lý. Để DN hiểu được phải nhờ truyền thông thông tin cũng như đưa ra các cảnh báo”, bà Trang nhấn mạnh.

Đặc biệt, trước bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế ngày càng gay gắt, nhất là bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn do chịu tác động của ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương cho rằng, PVTM sẽ có những điểm mới. Trong khi đó, các thông tin dự báo cho thấy, với kim ngạch XK Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, việc nâng cao nhận thức về PVTM để bảo vệ sản xuất là rất cần thiết.

Để nâng cao năng lực PVTM, theo Dũng, cần có nhận thức đúng đắn về các công cụ PVTM để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Và để có nhận thức đúng đắn về PVTM, các cơ quan báo chí có vai trò rất lớn trong việc thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

PVTM bao gồm 3 biện pháp chủ yếu: Chống bán phá giá; chống trợ cấp (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh do bị bán giá giá hoặc được nước xuất khẩu trợ cấp); và tự vệ áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Chuyên đề